Xã hội hóa gặp khó, Đà Nẵng sẽ đầu tư cho Công viên 29/3
Sau khi báo điện tử Infonet đăng bài “Đà Nẵng: Công viên 29/3 “không nghĩ đến chuyện Trung thu”!” (ngày 7/9), Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, dự kiến chiều 12/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sẽ chủ trì cuộc họp để nghe các sở, ngành hữu quan báo cáo phương án đầu tư cho Công viên 29/3 bằng ngân sách TP.
Dohưa tìm được nhà đầu tư thích hợp theo phương thức xã hội hóa nên Đà Nẵng sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ đồng từ ngân sách cho Công viên 29/3 để không còn cảnh các thiết bị vui chơi "đứng hình", còn công viên thì vắng vẻ như thế này! (Ảnh: HC) |
Trước đó, ngày 13/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ký Quyết định 3836/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Công viên 29/3 để phục vụ kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã ban hành thư mời các đơn vị, cá nhân tham gia đề xuất xây dựng và triển khai dự án đầu tư nâng cấp công viên này.
Cụ thể, khu đất quy hoạch xây dựng Công viên 29/3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) có tổng diện tích 188.081m2 (diện tích mặt đất 81.780m2, diện tích mặt nước 106.301m2) sẽ được đầu tư xây dựng theo hướng công viên mở, giao toàn bộ công viên cho nhà đầu tư quản lý chứ không chỉ quản lý duy tu ở những nơi đầu tư khai thác.
Diện tích mặt đất dành một phần khoảng 15.000m2 để nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi trong nhà, khu chụp ảnh lưu niệm, giải trí, ẩm thực…,kể cả bãi đỗ xe ngầm để khai thác, kinh doanh có thu tiền; phần diện tích còn lại giao nhà đầu tư quản lý để cải tạo, tôn tạo, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan theo quy hoạch.
Trong đó, Quyết định 3836/QĐ-UBND lưu ý nhà đầu tư khi được giao quản lý các khu đất cần có phương án thiết kế kiến trúc kết nối với cảnh quan chung của Công viên 29/3, không được xây dựng hàng rào cứng, ngăn cách không gian khu đất với những phần còn lại của công viên.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, lãnh đạo TP xác định Công viên 29-3 vẫn là công viên trung tâm, là “lá phổi” của TP, vì thế sẽ được xây dựng theo hướng bảo đảm xanh - sạch - đẹp, ủng hộ đầu tư các hạng mục giải trí đa dạng, phong phú, thu hút người dân và du khách. Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tối đa cùng với các chính sách miễn giảm về thuế và sử dụng đất.
Sau khi hoàn thiện dự án, chọn nhà đầu tư, sẽ công khai triển lãm đồ án cho người dân biết diện mạo mới của công viên, với tiêu chí vẫn là nơi công cộng, người dân được tự do vào công viên tham quan, thư giãn, chỉ thu phí ở các khu vui chơi, giải trí nhất định; hạn chế khu ăn uống, không mở quán nhậu mà chủ yếu bố trí quầy giải khát tại nhiều vị trí.
Thời hạn Sở Xây dựng Đà Nẵng kết thúc nhận hồ sơ đề xuất là trước ngày 25/9 để tổng hợp, báo cáo UBND TP quyết định. Được biết trong thời gian qua cũng đã có một số nhà đầu tư gửi phương án đăng ký tham gia dự án nâng cấp Công viên 29/3 theo hướng xã hội hóa, và cũng đã có phương án được đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên tại buổi làm việc với khối Đảng, đoàn thể TP ngày 9/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho biết chưa tìm được tiếng nói chung giữa TP và nhà đầu tư trong việc nâng cấp Công viên 29/3 theo hướng xã hội hóa. Theo đó, nhà đầu tư muốn có luôn khu lưu trú, khu nhà hàng... trong Công viên 29/3, nhưng quan điểm của Đà Nẵng là phải giữ nơi đây thuần túy với chức năng của công viên để người dân vui chơi, giải trí.
Do chưa tìm được nhà đầu tư thích hợp theo phương thức xã hội hóa nên ông Trần Thọ yêu cầu trước mắt phải xúc tiến ngay kế hoạch đầu tư, cải tạo nâng cấp bằng ngân sách TP để Công viên 29/3 đẹp hơn và đáp ứng được yêu cầu của người dân. “Xã hội hóa không làm, đầu tư thì chậm chạp, các đơn vị liên quan phải rốt ráo ngồi lại, lên phương án làm nhanh để cho dân hưởng” – ông Trần Thọ nói.
Dự kiến trước mắt Đà Nẵng sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp Công viên 29/3 để phục vụ nhân dân. Tại cuộc họp chiều 12/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến sẽ nghe báo cáo kế hoạch, phương án chi tiết việc đầu tư cho Công viên 29/3 sắp tới bằng ngân sách TP.
Trong mấy năm gần đây liên tục có các ý tưởng được đưa ra với Công viên 29/3 như xây dựng bãi đỗ xe ngầm, kêu gọi xã hội hóa... song vẫn chưa có ý tưởng nào trở thành hiện thực. Trong khi đó, do thiếu sự đầu tư của ngân sách vì chờ xã hội hóa nên các khu vui chơi, giải trí phục vụ người dân, đặc biệt là các cháu thiếu nhi trong công viên này vốn đã nghèo nàn lại càng xuống cấp nặng nề, cán bộ công nhân viên thiếu yên tâm công tác.