Vùng đất kỳ lạ: Phải to béo mới lấy được chồng
Tại Mauritania, to béo (chứ không phải thon thả) mới được cho là đẹp, vợ béo mập là dấu hiệu của sự giàu có và là niềm tự hào của người chồng. Nhưng hủ tục này dẫn đến cuộc khủng hoảng “tự béo phì” và khiến mạng sống của phụ nữ chịu nhiều nguy hiểm.
Phụ nữ phải “ăn nhồi ăn nhét” và dùng các loại hormone tăng trưởng của loài vật để tăng khả năng ăn cho mập!
Bị bắt “tọng” vào dạ dày
Mauritania nằm xen giữa sa mạc Tây Sahara với Senegal, là quốc gia thiếu nguồn cung lương thực và là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Dù vậy, 20% phụ nữ bị xếp loại béo phì và hơn một nửa phụ nữ bị xếp loại quá cân. Để so sánh, chỉ có 4% nam giới là béo phì và 20% nam giới là quá cân (theo Tổ chức Y tế thế giới).
Nhưng để con gái có chồng, nhiều người mẹ đã ép các cô con gái của mình phải ăn thật nhiều ngay từ lúc bé (khoảng 8 tuổi) để tăng trọng, để đến khi tới tuổi cập kê, các cô sẽ “thu hút” được đàn ông bằng vẻ “mũm mĩm” của mình. Kiểu ép ăn này được gọi là “ăn tọng”, từ chữ Pháp “gavage” dùng để chỉ việc nhồi thức ăn vào dạ dày ngỗng cho con vật thật béo để làm món gan ngỗng (foie gras). Truyền thống “ăn tọng” này đôi lúc trở thành đòn tra tấn: các ông bố bà mẹ đôi khi dùng đồ bẻ càng cua để bẻ gãy ngón chân của con gái nếu chúng không chịu ăn nhiều.
Nhà báo Mỹ Thomas Morton đã đến Mauritania điều tra về vấn nạn này để Hãng phim HBO làm nên loạt phim tư liệu Nết hư (Vice). Nhưng Thomas Morton không chỉ quan sát mà cũng phải “ăn tọng” đúng kiểu ăn của phụ nữ để “biết cho rõ”, theo lời nữ phiên dịch của anh, còn Morton nói để nắm rõ sự tác động lên cơ thể của anh. Cô phiên dịch cũng từng bị “ăn tọng”, dẫn Morton vào trại “ăn tọng” ở vùng sa mạc để “thử nghiệm” trong 2 ngày anh sẽ tăng bao nhiêu cân. Các trại này được lập khi các thiếu nữ tới tuổi lấy chồng, nơi họ phải nạp 15.000 calorie/ngày.
Và kết quả chỉ trong 2 ngày bị “ăn tọng”, Morton đã tăng 5 kg, từ 53 kg lên 58 kg. Anh nói: “Đó là một trải nghiệm kinh khủng. Cứ như thức ăn tràn lên khoang ngực của tôi và thổi phồng phổi tôi”. Ban đầu, “truyền thống” này xem ra chẳng khác gì một bữa ăn tối quá nhiều. Nhưng các loại thức ăn nóng và phong phú cùng sữa lạc đà bắt đầu tác động: bữa sáng gồm các mẫu bánh bột nhúng vào dầu ô-liu, bữa trưa là bánh bột ăn với thịt dê, quả sung, canh thịt couscous và… một “thùng” sữa. Đôi lúc phụ nữ Mauritania phải “ăn trưa” từ 2 - 3 bữa/ngày!
Bị uống thuốc tăng trọng!
Sự béo phì của họ đồng nghĩa với việc họ dễ bị bệnh và bị các triệu chứng như đau tim. Morton nói: “Phụ nữ không nên ép con nhỏ phải “ăn tọng”. Vấn đề là cách ăn nhồi nhét này thường dẫn đến suy tim, thường bị đau tim, và rất ít người thoát khỏi”.
May mắn là một số phụ nữ đã nhận thức được sự nguy hiểm của “nết hư” này. Cô phiên dịch của Morton cho biết cô chẳng bao giờ ép các con gái của mình “ăn tọng”, vì cô sợ các con chết yểu và bị béo phì. Morton mới “thử lửa” 2 ngày mà đã phát sợ, nói chi các thiếu nữ Mauritania bị ép ăn suốt một thời gian dài.
Morton nói anh “muốn bệnh” từ những món ăn anh đã phải nuốt. Phụ nữ Mauritania cũng cảm thấy thế, nên họ tìm cách tăng cân khác vốn rất gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ: đó là uống các loại thuốc không phù hợp cho khả năng hấp thụ của người!
Một phụ nữ địa phương cho Morton biết: “Thuốc là hình thức hiện đại của “gavage”. Phụ nữ dùng thuốc làm từ các loài chim và không dành cho người ta sử dụng”. Bà cho biết, các loại hormone tăng trưởng của loài vật giúp phụ nữ có thân hình hoàn toàn mất cân đối: mặt, bụng và ngực to nhưng tay chân gầy. Các loại thuốc này cũng có tác dụng phụ nguy hiểm, như vô sinh, trụy tim… Ngoài ra còn để lại các hậu quả khác như bệnh tật, dị dạng và bị điên.
Trong một nghiên cứu, nữ tiến sĩ Paula Braitstein của Đại học bang Indiana (Mỹ) phát hiện: 1/4 phụ nữ Mauritania bị ép “ăn tọng” từ lúc trẻ, 32% phụ nữ và 29% nam giới nước này “phê duyệt” kiểu “ăn tọng”. Braitstein viết: “Cách làm này nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì trong tương lai gần, nếu không có các nỗ lực đáng kể để thay đổi các chuẩn mực văn hóa, truyền thống”.
Cuộc thi người bụng phệ!
Tại Ethiopia, bộ lạc Bodi (còn gọi là Me’en, ở thung lũng Omo) quan niệm đàn ông càng to béo càng đẹp trai. Vì thế, các bậc nam nhi đua nhau trở thành người mập nhất, bằng cách sống cô độc một mình suốt 6 tháng, và họ đã uống một loại sữa bò pha máu bò để tăng tốc độ lên cân. Nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue đã chọn chủ đề “Trai béo trai đẹp” cho bộ ảnh của ông, sau thời gian sống cùng bộ lạc Bodi ở miền Tây Nam Ethiopia, dịp lễ hội Ka’el mừng năm mới của họ vào tháng 6.
Cuộc “tranh tài” bắt đầu 6 tháng trước lễ hội Ka’el mà dân làng Bodi mừng Năm mới vào tháng 6: mỗi gia đình được phép giới thiệu một thanh niên chưa vợ vào cuộc thi. Sau khi được chọn, anh ta sẽ lui vào lều tranh riêng để “tu” 6 tháng, không được đi đâu và cũng không được quan hệ tình dục trong thời gian đó. Phụ nữ trong gia đình sẽ đem thức ăn đến cho họ, chủ yếu là sữa bò pha máu bò.
Lafforgue giải thích: bò rất thiêng với dân làng nên chúng không bị giết, sữa được vắt còn máu thì dùng xiên hoặc búa chọc một lỗ vào động mạch để rút máu, sau đó dùng bùn đắp lên vết thương của con vật. Vì trời nóng gay gắt, mỗi “thí sinh” phải uống hết 2 lít sữa - máu bò thật nhanh trước khi nó bị vữa.
Nhưng Lafforgue cho biết: không “thí sinh” nào có thể “ực” hết số sữa ấy trong thời gian ngắn nhất: “Những anh phệ này uống món ấy cả ngày. Chén đầu uống lúc mặt trời mọc. Căn lều đầy ruồi bu. Mỗi người phải uống thật nhanh nhưng nhiều anh không thể dung nạp nổi và… nôn ra hết!”. Vậy mà các cậu trai đều muốn trở thành “người béo đẹp nhất làng”, và vào ngày lễ Ka’el, các “thí sinh” rời lều, dùng tro và bùn bôi lên người đi đến điểm hành lễ.
Cuộc thi cũng có mục “đầu đẹp” nên các thí sinh kết các vương miện bằng vỏ sò, vỏ hến, mão kết bằng lông đà điểu, cổ và tay đeo vòng vàng, trong khi trang phục của họ chỉ là một mảnh vải nhỏ xíu làm thắt lưng. Họ chẳng thẹn thùng gì cả, cứ để “hàng họ” tồng ngồng!
Cuộc thi sẽ chọn ra “Trai béo trai đẹp nhất” bằng cách buộc các “anh phệ” rảo bước hàng giờ đến điểm hành lễ trước sự chứng kiến của đông đảo phụ nữ và các đàn ông khác. Cuộc đi bộ chóng mặt ấy là một thử thách đối với từng thí sinh, vì chính chuyện “quá dư cân” của họ, cộng thêm việc họ được “tăng lực” bằng rượu và có nước uống “chữa lửa”.
Lafforgue giải thích: nhờ quá dư cân, nhiều “thí sinh” cảm thấy cuộc đi bộ cự ly ngắn này ghê gớm hơn thời gian “ở ẩn”, một số anh quá phệ đến độ chẳng thể bước được lâu: “Có người xin đi ké xe con của tôi đến điểm hành lễ. Vào xe rồi, anh ta lại uống sữa pha máu bò vì anh ta muốn tiếp tục là người mập nhất cho đến phút chót”.
Tại điểm hành lễ, các “thí sinh” lại bước hàng giờ vòng quanh một một gốc cây thiêng, thỉnh thoảng có phụ nữ tiếp… rượu và lau mồ hôi cho họ. Sau khi “Trai béo trai đẹp nhất” được chọn, một con bò sẽ bị tế: người làng dùng một viên đá thiêng to để đập đầu bò, rồi các bậc lão thành sẽ kiểm tra dạ dày và máu con vật, để “bói” xem tương lai có tươi sáng hay không.
Người chiến thắng sẽ được tôn vinh là “anh hùng” suốt cả đời, nhưng sau lễ hội, các “thí sinh” trở lại cuộc sống bình thường. Họ mau chóng mất vòng bụng to sau vài tuần ăn kiêng. Nhưng vài tuần sau đó, thế hệ tranh tài mới lại được chọn, lại bắt đầu chu trình khổ luyện.
Đáng tiếc là lễ hội Ka’el và lối sống của dân làng Bodi đang bị đe dọa, do Chính phủ Ethiopia đang lên kế hoạch tái định cư 300.000 dân Bodi trên toàn quốc, điều khiến họ phải rời khỏi làng. Cho đến khi ấy, dân làng tiếp tục chuẩn bị cuộc thi “Trai béo trai đẹp”….
Theo Công an nhân dân