Vui buồn nghề xiếc: Nữ diễn viên mới cưới gặp tai nạn liệt tủy
Nghề làm bạn với chấn thương
NSƯT Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn Xiếc thú Hà Nội đã mở đầu câu chuyện về nghề xiếc như thế. Thời gian tỏa sáng trên sân khấu rất ngắn nhưng diễn viên luôn phải đối mặt với nguy hiểm và đồng lương eo hẹp.
Có nhiều diễn viên xiếc do không chịu được sự khắc nghiệt của nghề đã rẽ sang một hướng khác, từ bỏ ước mơ một thời tuổi trẻ và sự khổ luyện trong những năm tháng ở Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.Ông Tạ Duy Nhẫn cho biết, hầu như năm nào ông cũng chia tay một vài diễn viên xiếc vì nhiều lý do. Người thì bị gia đình bắt bỏ nghề, người thì quyết định rời xa ánh đèn sân khấu do tai nạn nghề nghiệp, người chịu áp lực quá lớn về kinh tế đành phải mưu sinh bằng một nghề khác.... Thế nhưng cũng có không ít diễn viên xiếc đã dành trọn cuộc đời mình cho nghề nhiều vinh quang nhưng cũng lắm mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sự hy sinh.
Bản thân ông Nhẫn đi diễn xiếc từ năm 4 tuổi, trải qua bao lần sinh tử với nghề, tính đến nay đã được 50 năm. Khi nhắc đến những chấn thương mắc phải, ông nói không thể nhớ được mình đã bị tai nạn bao nhiêu lần trong lúc luyện tập. Những dạng chấn thương như gãy tay, chân, bong gân, trầy xước, bầm tím là chuyện thường tình. Ông Nhẫn thậm chí có lần đã bị tai nạn bất tỉnh trên sàn tập. "Làm nghề xiếc là làm bạn với chấn thương, nguy hiểm" - ông Nhẫn nói.
Làm nghề xiếc là làm bạn với chấn thương, nguy hiểm |
Khi hỏi về bộ môn xiếc nào hay xảy ra chấn thương nhất thì ông Nhẫn cho biết, tất cả các bộ môn xiếc dù là xiếc thú hay xiếc người đều có nguy cơ xảy ra tại nạn, chỉ là bị nhẹ nhay bị nặng mà thôi.
Tại phòng tập trong rạp xiếc Việt Nam, các đoàn xiếc phải chia thời gian tập so le nhau vì diện tích có hạn. Một tốp 4 diễn viên xiếc trượt ba tanh gồm 2 nam và 2 nữ đang tập luyện những động tác bê đỡ bị ngã dúi dụi. Một diễn viên nữ bị ngã trầy da chân khi đang thực hiện động tác người nam cầm 1 chân, 1 tay của người nữ quay tròn trên bàn trượt...
Bên cạnh đó là diễn viên xiếc Nguyễn Thị Trang, sinh năm 1994, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đang luyệt tập môn đế kiếm. Trang ngậm trong miệng cán một con dao nhỏ, sau đó để mũi một thanh kiếm dựng đứng trên đầu mũi dao rồi di chuyển, ngồi xuống, đứng lên rất thành thạo. Để làm được tiết mục đế kiếm này, Trang đã phải tập mất hơn 10 ngày với kiếm ngỗ, đã lần có trang bị kiếm gỗ rơi vào mí mắt , tím bầm.
Trang cho biết, thời điểm vào học ở Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam khoảng 2 tháng, Trang đã có ý định bỏ học vì quá đau đớn trong quá trình tập luyện. Ám ảnh nhất đối với Trang đó là động tác tập xà, vòng treo, bẻ xoạc chân đau đớn. Nhưng sau khi được các thầy cô, anh chị trong nghề động viên, bố mẹ khích lệ Trang đã vượt qua những khó khăn ban đầu để có thể tự tin đứng trước ánh đèn sân khấu biểu diễn, đem lại cho khán giả những tiết mục đẹp mắt.
Liệt tủy vẫn khát khao biểu diễn
Trong phòng tập thể lực của rạp xiếc Việt Nam, tôi để ý thấy một người con gái nhỏ nhắn ngồi trên chiếc xe lăn, hướng dẫn các bạn diễn viên trẻ tập luyện. Đó là chị Nguyễn Thị Tuyết Hoàn, sinh năm 1978, diễn viên xiếc trên không.
Chị Hoàn bị tai nạn trong khi tập luyện tiết mục đu dây trên cao gần một năm về trước. Thời điểm xảy ra tai nạn chị vừa kết hôn được 3 tháng.
Chị buồn buồn tâm sự, lúc các bác sĩ kết luận chị bị chấn thương cột sống, liệt tủy, chị đã rơi vào trạng thái hoảng loạn. Phải mất 5 – 6 tháng nằm viện điều trị, với sự quan tâm, động viên của gia đình, anh em bạn bè trong đoàn xiếc chị mới phần nào lấy lại tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoàn đang hướng dẫn cho các bạn diễn viên trẻ tập luyện. |
Giờ đây ngồi trên chiếc xe lăn, điều tiếc nuối lớn nhất đối với chị là không còn được đứng trên sân khấu biển diễn. Tuy vậy, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề chị vẫn muốn truyền đạt lại kinh nghiệm cho các bạn diễn viên trẻ. Chị tận tình chỉ cho đàn em từng động tác, cách buộc dây sao cho luyện tập đạt hiệu quả cao nhất và tránh được các chấn thương.
Dù không còn được đứng trên sân khấu biểu diễn cùng anh chị em trong Liên đoàn xiếc,nhưng ngọn lửa đam mê vẫn cháy trong chị.
Vào thăm căn nhà hơn 10m2 trong khu tập thể của Liên đoàn Xiết Việt Nam của chị Hoàn, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ khi thấy bằng khen treo kín tường. Trong giây phút đó, tôi thấy ánh mắt chị Hoàn sáng lên long lanh. Chị bảo đó là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời chị, vì được sống hết mình với nghề xiếc.
Trong không gian nhỏ hẹp, chị tâm sự rằng chị không muốn tai nạn của mình làm ảnh hướng tới lòng yêu nghề, đam mê xiếc của các bạn trẻ vì hiện nay những người trẻ tha thiết nghề xiếc không nhiều. Đó cũng là lý do vì sao tôi phải ra sức thuyết phục chị mới đồng ý trò chuyện và trải lòng.