“Vua ngọc trai” Hồ Phi Thủy: Thấy đâu có người nghèo, là giúp.

Chiếc xe hơi đời mới đỗ xịch bên đường, bác tài bước xuống, cười xã giao hỏi tốp thợ hồ: “Thu nhập được bao nhiêu tiền một tháng?”. “Hai triệu đồng”. “Đi theo tôi làm ngọc trai, tôi trả bốn triệu đồng/người/tháng”....
 “Làm ngọc trai có vất hơn phụ hồ không?”. “Nhẹ hơn”. “Thế sao lại trả lương gấp đôi?”. “Tôi thích thế”. Mấy người phụ hồ điện thoại cho chủ, rồi thu dọn đồ nghề, phấn khởi lên xe.

“Vua ngọc trai” Hồ Phi Thủy: Thấy đâu có người nghèo, là giúp. - ảnh 1

Giám đốc Hồ Phi Thủy luôn hào hứng khi nói về chuyện làm công tác xã hội. Ảnh: Tuấn Hoàng

Hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp

Năm 1989, học hết cấp III, chàng thanh niên Hồ Phi Thủy rời quê nhà ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, với hành trang độc hai bộ quần áo. “Lúc đó, tôi chỉ mong đi làm kiếm ngày ba bữa cơm, tự nuôi bản thân”, chủ doanh nghiệp nuôi cấy ngọc trai Ngọc Hiền, ông Hồ Phi Thủy nhớ lại, “thế rồi, tôi cứ nhắm hướng Nam thẳng tiến. Trời đất run rủi thế nào, tôi lại ra Phú Quốc mới tài”.

Ở vùng đất mới, Thủy không người quen, không vốn liếng nhưng bù lại, anh được trời phú cho sức khỏe hơn người và ý chí quyết tâm sắt đá, phải kiếm được việc làm, có cơm ăn, sau này chờ cơ hội đổi đời. “Muốn có cơm ăn, tôi uống nhiều nước mắm nhĩ, lúc đó tôi chọn nghề thợ lặn mà. Mình đâu có vốn liếng gì, chỉ cậy sức mà lặn. Sáng lặn, trưa ăn cơm xong lại lặn. Ham quá có khi tối cũng lặn, để mang trai bán cho thương lái thu mua. Từ năm 1989 đến 1994, ngày nào tôi cũng dầm mình dưới đáy đại dương cả chục giờ, mắt nhức, đầu ong, tai ù, người bải hoải mà thu nhập vẫn bấp bênh”, ông Hồ Phi Thủy nhớ lại thời kỳ đầu ra đảo Phú Quốc.

Năm 1995, Công ty Ogawa (Nhật Bản) đến Phú Quốc đầu tư cơ sở nuôi trai lấy ngọc, Hồ Phi Thủy đăng ký vào làm thợ lặn và nhanh chóng tạo dấu ấn tốt với lãnh đạo công ty bằng tài “dò bụng biển” lành nghề. Năm 1997, Nhật Bản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á; các ông chủ Nhật Bản không còn đủ khả năng chèo chống Công ty Ogawa, họ tuyên bố phá sản và rao bán công ty với giá 350 triệu đồng. Ngộ rằng triệu triệu con trai nuôi (lấy ngọc) đã vận vào mình, một ngày vắng chúng là héo cả ruột gan, nên Thủy quyết định vay mượn tiền để mua lại công ty.

Ngày đó, có những đêm Thủy chập chờn ngủ không an giấc với hàng loạt câu hỏi: Công ty có trụ được không? Mình có đủ năng lực để quản lý công ty? Nếu công ty phá sản, sẽ phải trả nợ bằng cách nào…? Thủy nhìn vào cái bóng của mình ở trên trần nhà, tự trả lời: Mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi (Lỗ Tấn-PV). Mình thuộc đường đi nước bước dưới đáy đại dương quanh đảo Phú Quốc, lẽ nào lại không đứng vững trên dòng đời. Thủy vay tiền từ người thân, bạn bè, thế chấp tất cả tài sản hữu hình, tín chấp cả tài sản vô hình là lòng tốt, sự xả thân của mình đối với mọi người bấy lâu nay. Cuối cùng, anh vay được gần 400 triệu đồng, đủ trả tiền sang nhượng.

Cảm nhận được lòng quả cảm và nhiệt huyết của Thủy, 6 công nhân cũ của công ty gật đầu ở lại đồng cam cộng khổ cùng ông chủ mới. Doanh nghiệp tư nhân nuôi cấy ngọc trai Ngọc Hiền e ấp nhón chân vào chốn thương trường từ đó.

Nhà tình thương phải thật sự nghĩa tình

Nói không quá lời, giờ ở Kiên Giang, không ai là không biết tiếng “vua ngọc trai” Hồ Phi Thủy. Vừa đặt chân đến thị trấn An Thới (Phú Quốc), tôi hỏi đường đến Công ty Ngọc Hiền (ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ), thì anh Nguyễn Văn Mực-lái xe ôm, nhìn tôi chằm chằm: “Thằng em tính xin việc à?”. “Không, có việc riêng thôi anh”. “Tưởng chú đi xin việc. Nếu cần việc làm, tìm đến Công ty Ngọc Hiền là chuẩn đấy”.

Trên đường đến Công ty Ngọc Hiền, anh Nguyễn Văn Mực cho tôi hay: “Nhờ có Công ty Ngọc Hiền mà nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Tay nghề cao thì tôi không biết thu nhập bao nhiêu, chứ làng nhàng như anh em mình, vào làm lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng”. “Nghe cứ như anh nhận tiền PR cho Ngọc Hiền?”. “Em cứ hỏi cả đảo Phú Quốc này xem, có ai mà không biết Hồ Phi Thủy. Anh Thủy hồi mới ra Phú Quốc lập nghiệp, có thuê nhà tại thị trấn An Thới để ở. Từ ngày thành ông chủ, mấy năm trở lại đây, năm nào anh Thủy cũng tặng xã An Thới 6 căn nhà tình thương, rồi góp với xã kinh phí làm công tác xã hội”.

Lời anh Mực khiến tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Chủ tịch UBND thị trấn An Thới Đỗ Thành Trung. Bữa đó, đồng chí Đỗ Thành Trung khuyên tôi nên gặp Giám đốc Hồ Phi Thủy để tìm hiểu chuyện lập nghiệp ly kỳ của người con Hà Tĩnh này. Anh Trung bảo: “Ra đến Phú Quốc, mà không gặp “vua ngọc trai” Hồ Phi Thủy thì tiếc lắm, đây là người có tâm và có tầm. Tìm được một doanh nhân có đức, có tài như anh Thủy thật quý”.

…Ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện nghề cùng Giám đốc Hồ Phi Thủy tại Công ty Ngọc Hiền, tôi kể lại câu chuyện của anh xe ôm Nguyễn Văn Mực, “vua ngọc trai” Hồ Phi Thủy cười sảng khoái, bảo: “Không hiểu cánh xe ôm lấy thông tin ở đâu nhưng chính xác đấy. Từ năm 2008, tôi bắt đầu xây nhà tình thương tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Phú Quốc. Như năm ngoái, tôi bỏ tiền xây 10 căn nhà, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng. Năm nay, tôi đã lên kế hoạch xây tiếp 10 căn”. “Vậy vị chi là 300 triệu đồng”. “Không, tổng cộng là 500 triệu đồng. Đầu năm, tôi có vào thăm một gia đình được nhận nhà tình thương ở thị trấn An Thới, thấy nhà ở cũng được nhưng tôi muốn nhà tình thương phải thật sự nghĩa tình. Tôi nghĩ 50 triệu đồng/căn, thì gia đình vào ở sẽ cảm thấy ấm áp hơn”. “Nghe anh nói, có vẻ chuyện kinh doanh của Ngọc Hiền đang phất?”. “Thương trường như chiến trường. Chẳng ai vỗ ngực nói hay được. Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, từ cái bụng đói meo cách đây 25 năm trước, nên giờ nhìn thấy người nghèo khổ mình nghĩ ngay đến tìm cách giúp đỡ. Khi đã thành chủ doanh nghiệp nuôi cấy ngọc trai Ngọc Hiền, có chút thành tựu, tôi hay đi trên đường, rong ruổi từ Bắc vào Nam, thấy đâu có người nghèo, không có kế sinh nhai, tôi hoặc là giúp chút tiền, hoặc chỉ cho họ đường ra Phú Quốc, tìm đến Ngọc Hiền. Giờ gần 300 công nhân của Ngọc Hiền đến từ khắp mọi vùng Tổ quốc. Có người cảnh báo tôi: Thằng đó đánh giầy, trước đi bụi, ngang tàng lắm, anh nhận vào làm gì? Hoặc công nhân đó ăn thật làm giả, đâu có xứng với đồng lương anh trả… Những lúc đó, tôi chỉ có suy nghĩ: Nhân vô thập toàn. Mình hãy cho người ta cái ăn, cái mặc, cơ hội kiếm tiền chân chính, rồi dần cảm hóa, lấy thiện thắng tà”.

Công nhân kết hôn được tặng “tổ chim cúc cu”

Không chỉ là “vua ngọc trai” Phú Quốc, lâu nay Hồ Phi Thủy còn được biết đến là “vua ngọc trai” Côn Đảo. Có được thương hiệu trên là cả chặng đường dài ông chủ Hồ Phi Thủy xây dựng cơ nghiệp, rồi thâu tóm các công ty sản xuất ngọc trai của Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a ở Phú Quốc, Côn Đảo. Ông Hô-ri-ki-ri Xê-i-di, trước là lãnh đạo Công ty Ogawa, mến tài đức chàng thanh niên Hồ Phi Thủy ngày nào, giờ lại trở thành Quản đốc của doanh nghiệp Ngọc Hiền. Trong công ty của Giám đốc Hồ Phi Thủy, còn có cả chuyên gia người Thụy Sĩ, Ô-xtrây-li-a làm việc. Gần 300 con người trong guồng quay, hằng năm đều đặn xuất xưởng 700-800 cân ngọc trai cho Nhật Bản. Một phần ngọc trai thu hoạch được, doanh nghiệp Ngọc Hiền làm thành đồ trang sức, để tôn vinh vẻ đẹp của ngọc trai Việt.

Tôi hỏi ông chủ Hồ Phi Thủy: “Đầu tư nuôi cấy ngọc trai, làm đồ trang sức ở Phú Quốc, Côn Đảo, xuất khẩu ngọc trai sang Nhật Bản, làm nhiều công tác xã hội… anh có sợ mình không quản lý, bao quát được hết công việc?”. “Tôi may mắn được các chuyên gia nước ngoài làm việc tận tình, coi tôi như anh em trong nhà. Tôi cũng may mắn được các công nhân yêu thương; từ tình cảm đó, họ lao động, làm việc hăng say, tự giác. Tôi dành nhiều thời gian chăm lo việc kinh doanh ở Phú Quốc, còn ở Côn Đảo, nói thật tôi rất tự tin khi ở đó có nhiều công nhân người Khơ-me”. “Ý anh là…”. “Cách đây hơn chục năm, tôi vô tình đi tuyển thợ là những nhân công người Khơ-me. Nói thật lúc đó họ nghèo đói lắm, làm nhiều nghề mà vẫn không đủ ăn. Tôi nhận họ vào làm việc ở Côn Đảo, tạo điều kiện cho họ tìm hiểu, nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái, thậm chí tôi còn dựng phòng cho họ ra ở riêng. Người Khơ-me thật thà lắm, nói nhậu là nhậu, làm là làm. Họ đã tin mình rồi, hiểu mình rồi thì dốc sức, đổ tâm huyết ra làm”. “Giờ doanh nghiệp của anh ở Côn Đảo có mấy cặp đôi người Khơ-me nên duyên vợ chồng?”. “Xem nào, bốn cặp rồi. Có cậu Danh Trường là người Khơ-me, đợt này ra Phú Quốc nhận hàng, chốc nữa anh gặp Trường cho vui”.

Lát sau, tôi gặp Danh Trường, một chàng trai đen sạm, rắn rỏi. Trường cười tươi, tâm sự một lèo như thể tôi là một phần của Ngọc Hiền. Trường kể: “Trước tôi không có việc làm. Sau được anh Thủy nhận vào công ty, giờ tôi đã thành thạo mọi thao tác trong việc nuôi cấy ngọc trai. Vợ tôi cũng là người Khơ-me, làm việc cho anh Thủy ngoài Côn Đảo. Sau khi chúng tôi kết hôn, anh Thủy dựng căn phòng 30m2, nói vui “tặng cô chú tổ chim cúc cu”.

Trước khi chia tay Giám đốc Hồ Phi Thủy, tôi được chủ vựa ngọc trai Phú Quốc, Côn Đảo này tâm sự: “Tôi đã thuê 500ha mặt nước ở ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu (huyện Phú Quốc) trong vòng 50 năm để nuôi cấy ngọc trai quy mô, kết hợp với làm du lịch. Số lượng nhân công ước tính ở đây sẽ cần tới 500 người. Trong tương lai không xa, chỉ cần bước chân xuống những khu nhà nổi trên mặt biển xanh màu ngọc bích, gió lộng bốn bề, du khách sẽ hòa mình vào một cuộc du ngoạn, khám phá đặc sắc. Khách tham quan thỏa sức tắm biển, lặn biển, thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt trai… và cuối cùng là hài lòng ra về với những món đồ trang sức quý giá từ ngọc trai, cùng những ký ức ấn tượng về một trong những ngành nghề độc đáo nhất nơi đảo ngọc này”.

Theo Đình Hùng/QĐND

Công nghệ sản xuất tạo nên nước uống Sữa trái cây mãng cầu vạn người mê

Chính quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại đã tạo nên hương vị tự nhiên thơm ngon khác biệt cho thức uống từ mãng cầu mới của Tập đoàn TH.

Sức nóng Đô thị nghỉ dưỡng Sun Group tại Hà Nam chưa hạ nhiệt

Ngày 17/11, sự kiện giới thiệu dự án Sun Urban City với chủ đề “Sắc màu miền di sản” diễn ra tại Hà Nội thu hút hơn 700 nhà đầu tư và chuyên viên kinh doanh BĐS miền Bắc.

Khách nước ngoài 'đổ' về làng Vòng thưởng thức đặc sản nức tiếng mùa thu Hà Nội

Với những ai có tình yêu với mùa thu Hà Nội thì không thể không nhớ đến cốm làng Vòng - một món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nhất là với khách du lịch nước ngoài.

Giới trẻ trải nghiệm ‘siêu xanh, siêu xinh’ cùng Vinamilk

Với hơn 11.000 vỏ hộp sữa đổi trong 2 ngày hội Việt Nam Xanh, khách hàng nhận lại gần 600 phần quà xanh, 200 chậu cây và 30 vé đi tham quan trang trại được Vinamilk trao tặng.

Cán bộ, công chức đóng BHXH 15 năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giữ nguyên lương hưu

Cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, nếu tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu và được hưởng nhiều trợ cấp khác.

45 tuổi đóng BHXH về già vẫn có lương hưu?

Lao động tự do hơn 40 tuổi nếu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì đến tuổi nghỉ hưu vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

Hàng ngàn quà tặng hấp dẫn chờ đón khách hàng SHB dịp sinh nhật 31 tuổi

Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.

Bất động sản Thủ đô - cuộc chuyển dịch sóng đầu tư từ tây sang đông bắc

Phía tây Hà Nội với vị thế trung tâm kinh tế - hành chính mới luôn giữ vị trí “quán quân” về nguồn cung và giao dịch trên thị trường bất động sản. Những năm gần đây, “cán cân” thị trường lại nghiêng về phía đông thành phố.

Quy định mới về chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con

Từ năm 2025, chế độ thai sản dành cho lao động nam khi vợ sinh con sẽ có những thay đổi.

Về ra mắt, chàng trai Thanh Hoá nói một câu khiến bố vợ tương lai bật khóc

Lời nói chân thành của người con rể tương lai khiến bố vợ xúc động ngay trong lần đầu gặp mặt.

Đang cập nhật dữ liệu !