Vụ vợ con du khách tử vong rúng động Đà Nẵng: Người chồng có dấu hiệu sống
Lúc 6h45 sáng 17/9, PV Infonet đã có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng để cập nhật diễn biến chung quanh việc điều trị cho người chồng đang bị hôn mê sâu trong lúc vợ và con trai đã tử vong khi gia đình này từ Nghệ An vào Đà Nẵng du lịch, xảy ra sáng qua 16/9 (Infonet đã đưa tin).
Hiện người chồng đang được điều trị tích cực tạikhoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng |
PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình điều trị cho người chồng đến sáng nay ra sao?
BS Lê Đức Nhân: Cho đến sáng nay, chúng tôi đã giảm được rất nhiều trong các vấn đề hỗ trợ về huyết động cho bệnh nhân (tức hỗ trợ cho bệnh nhân có huyết áp, nhịp tim…). Đồng thời đã cắt bớt được một số thuốc dùng để thay thế vấn đề nhịp tim. Thứ ba là tất cả các thông số liên quan đến vấn đề sinh hóa máu, xét nghiệm… nói chung cũng đã được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, về ý thức thì bệnh nhân cũng đã bắt đầu có những biểu hiện cựa quậy tay chân. Khi bệnh viện giảm thuốc an thần thì có vẻ như bệnh nhân cũng có nhận biết. Về hô hấp, hiện bệnh nhân vẫn còn thở máy nhưng các thông số về trao đổi khí hô hấp thì cải thiện hơn hôm qua. Còn các chỉ số khác liên quan tới dịch dạ dày… hiện tại vẫn ổn định.
Nhìn chung từ hôm qua tới giờ, sau khi áp dụng các biện pháp lọc hấp thụ để loại bỏ các chất gây trụy tim mạch như thế này thì chúng tôi thấy tình trạng của bệnh nhân được cải thiện tốt. Đến sáng nay, các thông số nói chung là trên đường ổn định.
Tuy nhiên do bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan, đa tạng nên hiện bệnh viện cũng chưa có thể khẳng định điều gì chắc chắn. Các chỉ số vừa nêu chỉ mới là thay thế và điều trị bù trừ và được ghi nhận đến thời điểm này như thế, nhưng còn diễn tiến tiếp theo thì cũng cần phải theo dõi sát và điều trị từng li, từng tí chứ hiện còn mới quá nên chưa thể nói chắc được.
PV: Thưa ông, thế còn nghi vấn các nạn nhân bị "ngộ độc thực phẩm" khi cả nhà đi ăn uống ở Đà Nẵng thì thế nào? Trong thông cáo báo chí mà TP phát đi tối qua không thấy có đề cập đến nghi vấn này?
BS Lê Đức Nhân: Cái này thì rất khó. Từ hôm qua tới giờ chúng tôi tập trung vào việc cứu chữa tính mạng của bệnh nhân. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng lấy máu để đi làm các xét nghiệm định lượng độc chất và tất cả các xét nghiệm liên quan khác cần phải làm rõ để chẩn đoán vì sao bệnh nhân lại có tình trạng tụt huyết áp, tuần hoàn và suy hô hấp, hôn mê rất nhanh như vậy, và lại bị cùng lúc nhiều người.
Muốn biết rõ nguyên nhân thì phải có những phân tích sâu hơn kia, chứ thực sự bây giờ chưa thể kết luận hay đặt vấn đề nghi vấn gì hết. Từ hôm qua tới giờ chúng tôi tập trung tuyệt đối vào việc cấp cứu, điều trị sao cho bệnh nhân đừng có những biến loạn có thể gây tử vong. Đồng thời đã phân tích gần như toàn bộ các chỉ số, ví dụ như sinh hóa, tập trung vào các vấn đề liên quan tới chức năng của gan, thận, tim, các chức năng hô hấp, tuần hoàn, rối loạn tim mạch… và tiến hành điều trị hồi sức tích cực cho tính mạng bệnh nhân.
Còn để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của bệnh nhân thì không dễ. Hôm qua có một số anh chị em báo chí đặt liền vấn đề “ngộ độc thực phẩm” là hơi vội, chứ ngay chúng tôi cũng chưa dám. Bởi vì để kết luận có phải “ngộ độc thực phẩm” hay không thì có rất nhiều yếu tố cần phải làm rõ hơn. Thứ hai nữa là có nhiều cái mình không hoặc chưa thể giải thích được!
PV: Thưa ông, ví dụ như cái gì hiện bệnh viện không hoặc chưa thể giải thích được liên quan đến vụ việc này?
BS Lê Đức Nhân: Cái “chưa giải thích được” ở đây là tình trạng bệnh xảy ra cùng lúc với cả 3 người, đặc biệt là tính ‘cấp” đối với các độc tố gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng như thế này. Độc tố này gây ức chế tế bào cơ tim là vấn đề đầu tiên chứ không phải là các vấn đề khác. Tim bị suy cấp nhanh nên thiếu oxy chuyển tải máu đi tất cả các nơi là triệu chứng chính của bệnh. Cái này thì bệnh viện sẽ tiếp tục hội chẩn xem xét hết tất cả các xét nghiệm… rồi mới đánh giá được.
PV: Như vậy có thể nói độc chất trong trường hợp này là rất đặc biệt chứ không phải dạng phổ biến như với các vụ "ngộ độc thực phẩm" bình thường khác phải không, thưa bác sĩ?
BS Lê Đức Nhân: Cái đó thì chúng tôi cũng chưa dám suy đoán vì vấn đề độc chất hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm. Thứ nhất là cùng một loại như vậy nhưng nồng độ, liều lượng… khác nhau; hay là các vấn đề liên quan tới tương tác, ví dụ mình vừa dùng (ăn) cái này, vừa dùng cái khác có thể làm tăng nồng độ lên thì cũng sẽ rất khác nhau.
Vả lại nếu đi ăn uống ở đâu đó thì cũng có nhiều người khác cùng ăn uống chớ quán xá, nhà hàng không chỉ bán cho 3 người trong gia đình này rồi đóng cửa. Vậy thì tại sao chỉ có 3 người trong gia đình này mắc nạn mà không có thông tin về trường hợp nào khác tương tự? Đây cũng là một hướng mà chúng tôi đang suy luận.
Cho nên chỉ có định lượng các xét nghiệm mới có thể nói được. Chúng tôi cũng đang mong sao việc xét nghiệm sẽ tìm ra được nguyên nhân, còn thực sự bây giờ chúng tôi đang tập trung vào vấn đề cấp cứu bệnh nhân. Khi bệnh nhân tỉnh dậy thì có lẽ sẽ có nhiều cơ hội hơn để khai thác thông tin, qua đó làm rõ nguyên nhân vụ việc. Hiện chúng tôi đang rất cố gắng để cứu cho được bệnh nhân!
PV: Xin cám ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này, và xin chúc Bệnh viện Đà Nẵng sớm cứu chữa được bệnh nhân để góp phần làm rõ vụ việc!