Vụ tử vong do viêm tuỵ cấp: Chia sẻ của BS từng làm việc tại BV Chợ Rẫy
Vụ việc nam thanh niên 19 tuổi tử vong do viêm tuỵ cấp sau khi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, mẹ của bệnh nhân đã lên facebook tố cáo Bệnh viện Chợ Rẫy chậm trễ không cho bệnh nhân đi Mỹ điều trị cũng như phương tiện kỹ thuật của bệnh viện này cũ kỹ khiến con của họ tử vong. Điều này đã gây bức xúc cho dư luận cũng như tạo khủng hoảng niềm tin cho nhiều bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện công lập.
Báo Infonet.vn xin trích đăng bài của TS Võ Xuân Sơn - Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn.
Ban đầu, tôi không có ý định tham gia ý kiến vào vụ này, vì dù sao thì tôi cũng đã từng là nhân viên của Bệnh viện Chợ rẫy, mọi người sẽ cho rằng ý kiến của tôi bị tình cảm chi phối.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, mình không nên im lặng. Và tôi quyết định viết trên 2 góc độ, góc độ của một bác sĩ, và góc độ của gia đình người bệnh.
Trong 20 năm hành nghề tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi hiểu các thầy thuốc ở đây phải nỗ lực như thế nào trước những căn bệnh nặng. Họ đấu tranh, không chỉ với thần chết, mà đấu tranh cả với nhau, với cấp trên, với cấp dưới. Thậm chí, có những bác sĩ đã từng nặng lời với điều dưỡng, hoặc các bác sĩ khác chỉ vì mong cứu được bệnh nhân. Tôi còn nhớ đã có lần kể cho các bạn nghe, rằng tôi đã từng cự cả Ban Giám đốc bệnh viện, chỉ vì cảm thấy họ không nghiêm khắc trong việc bắt buộc nhân viên phải thực hiện đủ thao tác loại bỏ nguy cơ nguy hiểm.
Trong bối cảnh đó thì những tố cáo của bà mẹ Việt kiều thực sự là xúc phạm các thầy thuốc của Bệnh viện Chợ rẫy một cách ghê gớm. Việc nghi ngờ các thầy thuốc ở đây thu tiền khống mà không lọc máu cho con chị hoàn toàn là sự lăng mạ một cách rất nặng nề đối với họ.
Một vấn đề mà người mẹ Việt kiều hoàn toàn không hiểu, là không một bác sĩ nào muốn giữ một bệnh nhân nặng để điều trị, nhất là khi đó là một ca viêm tụy cấp nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối, không có bất cứ lí do gì để họ chuyển bệnh nhân nặng cho Bình Dân hay FV, nếu không phải người nhà đề nghị.
Và ngay cả khi người nhà đề nghị, thì Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phải nhận được xác nhận của những bệnh viện kia là đồng ý nhận thì họ mới có thể chuyển. Việc chuyển bệnh nhân ra nước ngoài lại càng nhiêu khê hơn, vừa liên quan đến VISA, vừa liên quan đến việc trao đổi về chuyên môn. Tôi tin là nếu các bác sĩ Mỹ biết rõ tình trạng của người bệnh này, họ cũng sẽ phải cân nhắc chuyện có nên vận chuyển bệnh nhân qua Mỹ hay không.
Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chuyên môn mà với vai trò một người ngoài chuyên môn, người mẹ Việt kiều ấy không hiểu, nhưng lại xác quyết một cách không có căn cứ. Tôi không biết hệ thống máy lọc máu của Bệnh viện Chợ Rẫy như thế nào, nhưng về chẩn đoán hình ảnh thì tôi nghĩ chị đã chê bai máy móc của bệnh viện quá lời.
Mới cách đây mấy tháng, mẹ tôi hôn mê, hi vọng sống rất mong manh, tôi rất hiểu tâm trạng của người có người nhà bệnh nặng. Việc đầu tiên mà một thân nhân bệnh nhân nặng cần biết, là người nhà mình có thực sự được quan tâm tương xứng với mức độ nặng của bệnh hay chưa. Họ cần được biết, các bác sĩ, điều dưỡng có thực sự quan tâm đến người nhà mình bị bệnh nặng hay không, có thực sự quyết tâm cứu chữa người bệnh nặng hay không.
Về phương diện này, tôi cho là Bệnh viện Chợ rẫy đã làm chưa tốt. Không riêng gì bệnh viện Chợ Rẫy, tôi cho là hầu hết các cơ sở y tế công và một số cơ sở y tế tư nhân ở Việt Nam chưa làm tốt việc này. Tôi vẫn thường yêu cầu nhân viên của tôi phải nói cho bệnh nhân biết chúng tôi đang làm gì cho họ, phải nhắc để họ biết mình nắm được vấn đề của họ… Chúng ta điều trị bệnh nhân, chứ không phải điều trị bệnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy, và nhiều bệnh viện công khác, bị quá tải. Vì sự quá tải này, nên bệnh nhân phải nằm chen chúc nhau, đặc biệt là phải nằm ngoài hành lang. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, việc để cho họ nằm ngoài hành lang, cho dù là 1 hay 2 ngày, thì điều đó chắc chắn là sai sót của bệnh viện. Nếu không là sai sót trong việc đánh giá tiên lượng, không tin vào chẩn đoán của tuyến dưới, thì cũng là việc coi nhẹ sự nguy hiểm liên quan đến tính mạng bệnh nhân.
Có một điều mà tôi, với vai trò một người phải chịu trách nhiệm trong việc xử lí khủng hoảng truyền thông nếu nó xảy ra cho cơ sở của mình, tôi thấy Bệnh viện Chợ Rẫy đã chưa khéo léo khi chọn cách giải quyết đối đầu với bà mẹ Việt kiều. Tất nhiên, cơ sở của tôi chỉ là hạt cát so với với quả núi khi đứng bên Bệnh viện Chợ Rẫy, nên có thể ý kiến của tôi về việc này chưa xác đáng.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, nếu Bệnh viện Chợ Rẫy không phải là một bệnh viện với uy tín, y hiệu đã được bao nhiêu thế hệ thầy thuốc vun đắp, nếu không phải đa số người dân vẫn cảm thấy “mát lòng” ngay cả khi chết trong bệnh viện này, thì cách xử lí như vậy có thể sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề.