Vụ trưởng ATGT: Cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT để xử lý tài xế cố ý vi phạm
Tổng cục đường bộ vừa có công văn hỏa tốc tới chủ đầu tư BOT, các cục đường bộ và Sở giao thông yêu cầu lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí quá 5 phút. Các biển cấm xe qua trạm BOT dừng quá 5 phút phải hoàn thành trước ngày 25/1, xe vi phạm sẽ bị xử lý.
Xung quanh việc làm này của Tổng cục Đường bộ, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" sẽ được lắp tại các trạm BOT. |
* PV: Đề nghị lắp biển báo của Tổng cục Đường bộ gây tranh cãi khi không có trong nhóm biển cấm mà quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ đã quy định. Việc có thêm biển báo này có đúng quy định và thẩm quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam không thưa ông?
* Vụ trưởng Vũ Ngọc Lăng: Tổ chức giao thông trên đường là việc làm thường xuyên của cơ quan quản lý đường bộ, không chỉ riêng ở trạm thu phí BOT. Tổng cục có chức năng tổ chức trên đường, bãi đỗ xe... bất kì đâu thuộc đường bộ.
Thẩm quyền lắp loại biển này của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì quá đúng rồi! Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý hệ thống quốc lộ, có toàn quyền quyết định với việc tổ chức giao thông tại đây.
Hơn nữa, biển "cấm dừng xe quá 5 phút" này hoàn toàn có trong quy định.
Không hẳn là chưa có tiền lệ, không có trong nhóm biển cấm giao thông đường bộ. Biển cấm dừng đỗ tại trạm BOT này cũng tương tự biển "cấm đứng chơi trên cầu".
Nếu không sử dụng bằng hình vẽ được, người ta có sử dụng bằng chữ để thể hiện biển cấm. Điều này hoàn toàn được quy định trong quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN41:2016/BGTVT). Các biển cấm này có nền đỏ chữ trắng.
Các cơ quan chức năng chỉ không cho phép các phương tiện dừng, đỗ quá 5 phút tại trạm thu phí thuộc trường hợp cố tình vi phạm.
Khi đó người điều hành giao thông hoàn toàn có thẩm quyền điều khiển, kể cả giao dịch đang dang dở người thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoàn toàn có thể mời ra ngoài.
Biển báo chỉ để hướng dẫn cho người tham gia giao thông và chấp hành Luật. Còn xử lý các trường hợp vi phạm như thế nào, người điều hành giao thông sẽ căn cứ vào trường hợp cụ thể.
* PV: Làm thế nào để xác định các hành vi dừng, đỗ quá 5 phút để xử lý là vi phạm cố tình thưa ông? Nếu các xe qua trạm BOT quá 5 phút mới thực hiện xong giao dịch sẽ chiếu như thế nào với lệnh cấm thưa ông?
* Vụ trưởng Vũ Ngọc Lăng: Thực tế, các giao dịch thu và trả phí tại các trạm BOT thông thường rất ngắn, không đến 5 phút.
Tại các trạm BOT sẽ có mặt cơ quan chức năng, camera theo dõi. Khi thực hiện giao dịch quá 5 phút, cơ quan chức năng có thể mời phương tiện ra khỏi khu vực giao dịch thu phí. Nếu cố tình vi phạm, chủ phương tiện sẽ bị xử lý theo Nghị định 46 về xử phạm vi phạm hành chính đối với các hành vi không chấp hành biển báo, quy định của người hướng dẫn giao thông.
Có nhiều mức xử lý vi phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo từng trường hợp cụ thể.
Hành khách không được lên xuống tại trạm BOT. Còn các trường hợp hỏng xe hay phát sinh tình huống bất ngờ kéo dài thời gian giao dịch quá 5 phút, căn cứ vào điều kiện cụ thể, căn cứ ghi nhận của camera cơ quan chức năng sẽ đưa ra xử lý.
Các bên liên quan đang tiến hành cắm biển theo quy định. Tổng cục Đường bộ chỉ đạo đến ngày 25/1 phải hoàn thành việc cắm biển này, mục tiêu là làm thế nào để thông thoát giao thông mà thôi!
* PV: Như vậy để xử phạt được phương tiện vi phạm ở mỗi trạm BOT đều cần thiết sự có mặt của lực lượng cảnh sát giao thông sao thưa ông?
* Vụ trưởng Vũ Ngọc Lăng: Hiện tại vẫn có đấy, ở mỗi trạm BOT có rất nhiều lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các lực lượng cảnh sát khác, lực lượng của nhà đầu tư hướng dẫn điều tiết giao thông.
Lực lượng của nhà đầu tư sẽ không được phép xử phạt tiền nhưng tham gia hướng dẫn điều hành giao thông, vẫy xe này đi, vẫy xe kia.
Còn cụ thể việc thực hiện xử phạt vi phạm biển cấm như thế nào, cơ quan chức năng chuyên ngành sẽ có bài, tôi không đi sâu vào lĩnh vực đó.
Hình thức xử phạt ra sao các cơ quan liên quan sẽ chiếu theo quy định của pháp luật tương tự các loại hình biển báo cấm khác.
Trong trường hợp trên đường vi phạm biển báo giao thông, nếu không có lực lượng cảnh sát tại chỗ có thể bị phạt nguội sau khi trích xuất camera giao thông không? tôi trả lời việc đó cơ quan chức năng chuyên ngành sẽ xử lý. Xử lý vi phạm tại trạm BOT cũng như sẽ xử lý mọi trường hợp khác.
Còn nếu lỗi do nhà quản lý trạm BOT điều tiết giao thông để các xe dừng, đỗ quá 5 phút gây ùn tắc thu phí chậm, các xe ùn ứ kéo dài, khi đó, chúng tôi sẽ yêu cầu phải xả trạm. Điều này đã có trong quy định rồi.