Vụ thắng kiện 55 triệu USD: Liệu có vi phạm tố tụng?
Như đã thông tin, chiều ngày 7/1, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên ông Ly Sam thắng kiện trong “vụ kiện 55 triệu USD”, theo đó Công ty liên doanh Đại Dương buộc phải trả cho ông Ly Sam khoản tiền trên 55 triệu USD (khoảng 1.154 tỷ đồng).
Sau khi kết luận được đưa ra, các luật sư của Công ty liên doanh Đại Dương cho biết sẽ kháng cáo, và sẽ tiến hành bổ sung chứng cứ chứng minh việc máy trò chơi gặp sự cố để cấp phúc thẩm xem xét.
![]() |
Ông Ly Sam đang trả lời câu hỏi của Tòa trong phiên sơ thẩm |
Đây được cho là vụ kiện phức tạp, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, không chỉ bởi số tiền quá lớn, mà còn vì những tranh cãi xung quanh. Theo ý kiến của luật sư Phạm Đình Hưng, chủ tịch công ty luật Sài Gòn Á Châu, trong vụ kiện trên cần xem xét thêm các vấn đề sau:
Thứ nhất: Có thật máy trò chơi điện tử có thưởng đã phát sinh trục trặc tại thời điểm ông Ly Sam cho rằng mình trúng thưởng hay không?
Thứ hai: Giao dịch chơi game của ông Ly Sam và Câu lạc bộ Palazo có hợp pháp hay không?
Thứ ba: Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện này có được triệu tập đầy đủ chưa?
Thứ tư: Thẩm quyền xét xử có đúng chưa?
Lý giải cho những câu hỏi trên, luật sư Hưng đã đưa ra những phân tích cụ thể:
Thứ nhất: Nếu có bằng chứng, chứng minh máy bị hư tại thời điểm ông Ly Sam cho rằng mình trúng thưởng, thì cần xem lại kết quả này có hiệu lực hay không bởi vì đây là kết quả ngoài ý muốn của các bên khi tham gia giao dịch (Các bên không có ý chí chung khi giao dịch).
Về nguyên tắc, nhà sản xuất máy khi sản xuất đã lập trình sẵn một tỷ lệ trả thưởng nào đó trong máy và khi bên mua, bên bán, bên chơi khi tham gia giao dịch này đều phải biết. Muốn tìm hiểu, xác định máy có lỗi hay không phải mời nhà sản xuất máy tham gia vụ kiện với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan (trường hợp bán máy “dởm” cũng phải chịu trách nhiệm theo luật Việt Nam).
Thứ hai. Theo quy định về hoạt động trò chơi điện tử có thưởng thì tỷ lệ trả thưởng phải được cài đặt trong máy và phải đăng ký mới là hợp lệ (Quyết định 32/2003 của Thủ tướng và Quyết định 91/2005 của Bộ Tài chính). Điều 121 Bộ Luật Dân sự quy định điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Thứ ba. Theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Bộ Luật TTDS thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là người tuy không bị khởi kiện, không khởi kiện nhưng việc giải quyết vụ án liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, thì họ cũng phải được tham gia hoặc mời tham gia. Như vậy nhà sản xuất máy ở nước ngoài cần phải được triệu tập để tham gia vụ án này. Nếu không triệu tập có thể dẫn đến vi phạm tố tụng.
Thứ tư. Về thẩm quyền xét xử, thì theo Điều 33 của Bộ luật TTDS, nếu có đương sự ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp Tỉnh chứ không phải cấp quận, huyện. Nếu xét xử sai thẩm quyền thì cũng được xem là vi phạm tố tụng.