Vụ tham ô ở Sóc Trăng: Hình sự hóa quan hệ kinh tế?
Vụ tham ô ở Sóc Trăng: Hình sự hóa quan hệ kinh tế?
>>Xét xử vụ án "nhiều cái nhất" sau 5 lần hoãn
Trong phần xét hỏi ngày 28/2, lần lượt các bị cáo: Ngô Hồng Phi, Đặng Minh Út, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương, Nguyễn Quách Hồng Quyên (nguyên giám đốc và chuyển viên, kế toán của TTKC) được Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi trước.
![]() | ||
|
Thẩm phán Lê Ngô, Chủ tọa phiên tòa căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai các bị cáo trong quá trình tạm giam đã hỏi cặn kẽ, chi tiết nhiều tài liệu được coi là “làm giả”, “khai khống” liên quan đến các khoản chi phí bị cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Sóc Trăng kết tội “tham ô tài sản”. Trình bày tại phiên toàn, các bị cáo đều khẳng định rằng, những chi phí mà cơ quan điều tra cho rằng “làm giả”, “khai khống” thực chất là chi phí cho việc tiếp khách, hoặc hợp thức hóa những khoản chi phí trong quá trình triển khai các lớp học dạy nghề cho bà con nông dân.
Các nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan được triệu tập tại phiên tòa cũng đều thừa nhận việc tổ chức các lớp học là có thật. Tuy nhiên, đặc thù của các lớp dạy nghề cho bà con nông dân theo chương trình của đề án, thực chất là truyền nghề. Học viên là nông dân, sau hai ba ngày dược học tập trung ở lớp, được phân ra theo các nhóm, thuận lợi lúc nào thì học lúc đó. Và sau mỗi lớp học, những địa phương được triển khai dự án đều được thụ hưởng lợi ích. Cụ thể là nhiều ấp, xã đã có sản phẩm bán lại cho các HTX thu mua như HTX Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Ngọc Bích, HTX TTCN Như Ý...
Giải thích về việc “tự nguyện” nộp lại số tiền bị cơ quan điều tra cho rằng đã “tham ô tài sản”, tại phiên tòa, bị cáo Ngô Hồng Phi nói: “Khi điều tra viên cho rằng, những chi phí chi sai nguyên tắc thì phải nộp lại để khắc phục hậu quả, bị cáo thấy vậy thì phải nộp để mong không bị coi là phạm tội. Đây hoàn toàn là tiền cá nhân, không phải tiền bị cáo đã tham ô”.
Trong phần xét hỏi của đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đối với bị cáo Phi, kiểm sát viên cho rằng: “Bị cáo đi tiếp khách, được ăn nhậu với khách, như thế là cá nhân bị cáo cũng được hưởng lợi từ dự án rồi” (!?)
Liên quan đến hành vi bị coi là phạm tội “tham ô tài sản” đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm HTX TTCN Ngọc Bích, câu hỏi của thẩm phán Lê Ngô cũng chỉ xoay quanh việc có hay không việc tổ chức các lớp dạy nghề theo chương trình đề án. Trong vụ án này, bị cáo Bích cũng đã tự nguyện nộp 17,6 triệu đồng mà điều tra viên cho rằng đã “tham ô tài sản”. Theo trình bày của bị cáo Bích tại tòa, các khoản chi phí mà HTX đã chi cho các lớp học nghề từ nguồn kinh phí dự án đều có thật, không khai khống, làm giả, mà do nhiều khoản chi không có hóa đơn theo quy định nên theo hướng dẫn của cán bộ TTKC, HTX đã hợp thức hóa chứng từ.
Ông Tăng Trung Bảo, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) là nhân chứng được mời, khẳng định với phóng viên: “Lớp học nghề do HTX TTCN Ngọc Bích tổ chức tại ấp Giòng Có, xã Tham Đôn là thật. Sai lớp học, bà con nông dân đã có sản phẩm nhập cho HTX TTCN Ngọc Bích. Sau khi vụ án xảy ra, nhiều bà con xã viên rất hoang mang vì bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai liên tục. 5 phiên tòa trước, họ đều phải lên dự để làm chứng và vì thương chị Bích nên công việc đồng áng bê trễ”.
Nhiều nhân chứng tại phiên tòa, khi được phóng viên hỏi đều tỏ thái độ lo lắng cho các bị cáo, đặc biệt là Chủ nhiệm HTX TTCN Ngọc Bích, Chủ nhiệm HTX TTCN Như Ý bởi chính các HTX này đã trực tiếp truyền nghề, dạy nghề, mang lại việc làm và thu nhập cho các gia đình có dự án.
Bà Nguyễn Thị Cúc, 75 tuổi, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất từ Tp Hồ Chí Minh cũng cùng chồng lặn lội về dự phiên tòa. Là Chủ nhiệm HTX nổi tiếng về xuất khẩu các sản phẩm mây, tre, lá với doanh thu mỗi năm hàng chục triệu USD, bà Cúc nói với phóng viên: “Nếu cơ quan điều tra, VKSND cứ hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự kiểu này đối với các chương trình dạy nghề cho nông dân thì sẽ không bao giờ thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Từ khi vụ án xảy ra, HTX Mây tre lá Ba Nhất thiệt hại rất lớn. Lượng hàng mây, tre, lá mà HTX thu mua của bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng giảm rõ rệt. HTX Mây tre lá Ba Nhất đang tính sẽ cắt hợp đồng thu mua sản phẩm mây, tre, lá của tỉnh Sóc Trăng, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn”
Qua 2 ngày xét hỏi, các luật sư tham dự phiên tòa tỏ ra không hài lòng với cách xét hỏi của thẩm phán Lê Ngô và đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng.
Phóng viên Infonet sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến phiên tòa.
Trần Cường