Vụ Snowden: Lỗ hổng ngoại giao khổng lồ của Mỹ
Nhà Trắng tuyên bố việc Trung Quốc cho phép Snowden rời khỏi nước này là “một lựa chọn có chủ ý của chính phủ nhằm thả tự do một tội phạm bất chấp lệnh bắt giữ có hiệu lực và quyết định đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực tới mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Mỹ - Trung “đấu khẩu” vì vụ gián điệp Snowden. |
Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cho hay Bắc Kinh không thể nào chấp nhận được “kiểu bất mãn và phản đối này” từ Mỹ.
Tuy nhiên các chuyên gia của cả Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng cuộc đấu khẩu này giữa hai nước sẽ sớm qua đi do hai bên không muốn vấn đề này gây tổn hại quan hệ song phương về lâu dài khi cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa diễn ra cách đây chưa lâu.
“Trung Quốc không muốn vấn đề này ảnh hưởng tới tình hình toàn cục, chính quyền trung ương vẫn luôn tỏ ra khá bình tĩnh và kiềm chế bởi mối quan hệ Mỹ - Trung rất quan trọng. Còn Hoa Kỳ thì không có lí do gì để gây thêm sức ép, vì nếu không Washington sẽ mất đi sự ủng hộ về tinh thần”, giáo sư Zhao Kejing của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định.
Tại cuộc họp thượng đỉnh hồi đầu tháng, ông Obama đã đề cập tới các cáo buộc rằng Trung Quốc tấn công mạng vào Hoa Kỳ. Còn ông Tập Cận Bình trước đó phát biểu rằng bản thân Trung Quốc là một nạn nhân của các cuộc tấn công mạng tuy nhiên hai bên cần hợp tác để tìm ra giải pháp chung.
Sau đó, những tiết lộ của Snowden rằng Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ tấn công mạng vào các công ty điện thoại di động của Trung Quốc để thu thập dữ liệu từ các tin nhắn điện thoại đã giúp Bắc Kinh có thêm căn cứ để “ăn miếng trả miếng” Mỹ.
“Ở một góc độ nào đó, Hoa Kỳ đã đi từ một “mô hình về nhân quyền” tới “một kẻ nghe trộm vi phạm tự do cá nhân”, “kẻ vận động” để thâu tóm quyền lực đối với mạng Internet toàn cầu và “kẻ đột nhập” điên cuồng vào mạng lưới máy tính của các quốc gia khác”, Nhân dân nhật báo bình luận.
“Thế giới sẽ nhớ tới Edward Snowden. Chính sự gan dạ của anh ấy đã giúp xé tan chiếc mặt nạ cao đạo của Washington”, tờ báo này khẳng định.
Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đang xem xét đơn xin tị nạn của Snowden và hôm qua (24/6) ông viết trên tài khoản Twitter của mình rằng ông sẽ đưa ra quyết định “mà chúng tôi cảm thấy phù hợp nhất và tôn trọng đầy đủ chủ quyền của chúng tôi”.
“Đó là tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc nhằm bảo vệ quyền hành động của một quốc gia nhỏ bé trên trường quốc tế”, Michel Levi, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Andina ở Quito, thủ đô Ecuador.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ecuador xấu đi vào tháng 4/2011 khi chính quyền Ecuador trục xuất Đại sứ Mỹ Heather Hodges sau khi WikiLeaks công bố tài liệu cho thấy bà Hodges cáo buộc ông Correa đã bổ nhiệm một quan chức an ninh mặc dù biết ông này tham nhũng. Năm ngoái, Mỹ đã cử một đại sứ mới tới Ecuador.
Snowden được cho là đang chuẩn bị để tới Quito sau khi đáp máy bay tới thủ đô Mátxcơva (Nga) nhưng chưa ai nhìn thấy anh này trên chuyến bay nào tới Cuba, điểm đến trung chuyển trước khi tới Ecuador, dù cho vé máy bay đã được đặt. Hiện không ai rõ Snowden đang ở đâu.
Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino đã ca ngợi những hành động của Snowden là nhằm “rọi sáng và đem tới sự minh bạch” về những hành động của Mỹ.
Năm ngoái, Ecuador đã cho phép Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, hưởng cơ chế tị nạn tại Đại sứ quán nước này ở Anh. Chỉ một ngày sau đó, Mỹ trả đũa bằng cách trao cơ chế tị nạn cho nhà báo Ecuador Emilio Palacio, người đã bị kết án 3 năm tù giam vì xúc phạm Tổng thống nhưng bản án bị hủy theo đề nghị của chính ông Correa.