Vụ rừng A Lưới bị rút ruột: Yêu cầu điều tra, xử lý làm rõ trách nhiệm
Nhiều cây gỗ quý ở rừng phòng hộ A Lưới bị lâm tặc đốn hạ |
Sau khi PV Infonet thâm nhập, tìm hiểu và đăng tải loạt bài về việc rừng phòng hộ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị lâm tặc dựng lán trại, dùng máy móc chặt phá, đốn hạ hàng chục cây gỗ quý lâu năm tại Tiểu khu 311, 297 (thuộc rừng phòng hộ A Lưới) với quy mô lớn rồi bắc cầu vận chuyển gỗ qua trạm đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ (thuộc BQL rừng phòng hộ A Lưới) ra khỏi rừng, bên trong chỉ sót lại các gốc cây trơ trụi cùng các tấm bìa, khúc gỗ không có giá trị.
Trước thông tin này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản số 7142/UBND-NN vào ngày 21/9 yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và có hình thức xử lý kỷ luật, chấn chỉnh ngay tình trạng quản lý bảo vệ rừng ở khu vực này.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các phương án phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tại các tuyến, khu vực trọng điểm, thiết yếu và rà soát để tổ chức, sắp xếp hợp lý hơn nữa mạng lưới quản lý bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng trên toàn tỉnh, nhất là các khu vực hiện có nguy cơ phát sinh tình trạng khai thác gỗ trái phép.
Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra các phương án phòng chống chặt phá rừng của các chủ rừng, thường xuyên phối hợp với các lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, và chính quyền các địa phương để thực hiện các đợt truy quét có hiệu quả.
Trước mắt, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm chủ trì phối hợp với chủ rừng, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để tiến hành truy quét tại các tiểu khu rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới, Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Lâm nghiệp Nam Hoà, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương và giám sát chặt chẽ tuyến đường 71 và 74.
Chỉ đạo các chủ rừng là các ban quản lý, công ty lâm nghiệp thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo kế hoạch đã phê duyệt, xây dựng cơ chế phối hợp với lực lượng kiểm lâm, và các lực lượng khác, đảm bảo quản lý hiệu quả lâm phận được giao.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, TP Huế và vườn Quốc gia Bạch Mã, Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Lâm nghiệp như Tiền Phong, Nam Hòa, Phong Điền và Ban quản lý rừng phòng hộ như A Lưới, Bắc Hải Vân, Hương Thủy, Nam Đông, Sông Bồ, Sông Hương, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Sao La thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 23/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW; Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh.
Các lực lượng như: Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với các chủ rừng kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng tự nhiên theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường công tác bảo vệ rừng khu vực biên giới. Tuyên truyền, động viên nhân dân không khai thác lâm sản trái pháp luật, không phá rừng tự nhiên để trồng rừng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.