Vụ “nhà biến thành hầm” ở TP.HCM: “Giải pháp chống ngập của chúng ta là nửa vời"
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP tại buổi làm việc với các sở, ngành về dự án chống ngập trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM |
Sau chuyến thị sát trên đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với các sở, ngành và chính quyền quận Bình Tân vào ngày 8/6. Tại đây, người đứng đầu UBND thành phố đã lắng nghe các phương án giải pháp chống ngập trên đường Kinh Dương Vương từ các sở, ngành và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch quận Bình Tân Lê Văn Thinh báo cáo, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu) dài hơn 3,5 km, rộng 48m, hệ thống cống và công trình ngầm đã hoàn tất.
Hiện đơn vị thi công đang tiến hành nâng cao mặt đường. Theo phương án thiết kế được duyệt thì cao độ đường Kinh Dương Vương được nâng trung bình 0,7m, vỉa hè nâng từ 0,4-1,2m dẫn đến nhà dân thấp hơn vỉa hè từ 0,6-1m.
Kéo theo đó, dự án ảnh hưởng đến 539 hộ dân sinh sống hai bên đường, 27 cơ quan hành chính và 44 tuyến đường hẻm trên con đường này.
Ông Thinh chỉ ra, về phía chủ đầu tư mới thiết kế chống ngập cho đường Kinh Dương Vương mà chưa tính toán thiết kế cho toàn bộ lưu vực dân hơn 90ha ở quận này. Vị chủ tịch quận cũng dẫn kinh nghiệm chống ngập từ thực tế của UBND quận Bình Tân cho trụ sở của mình. “Trụ sở UBND quận Bình Tân trước đây cũng ngập, nhưng sau khi lắp van 1 chiều và 2 máy bơm nước thì không còn ngập nữa” ông Thinh nói.
Riêng về vấn đề chủ đầu tư cho rằng 90% người dân Q. Bình Tân đồng ý nâng cấp đường, ông Thinh giải thích, con số này chưa phải là 90% dân đồng ý mà chỉ là 90% của số người được khảo sát đồng ý.
những bức tường chắn được xây lên trước cửa nhà dân nhằm mục đích chắn cát, đá và đó cũng là mốc cao độ mặt đường Kinh Dương Vương sau khi hoàn thành dự án |
Nghe xong báo cáo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã phê bình UBND Q. Bình Tân, chủ đầu tư… vì chưa làm tốt việc quy hoạch và lấy ý kiến người dân. Chủ tịch Phong nói: “Dù đã lấy ý kiến người dân trước đó (từ năm 2012) nhưng khi thực hiện công trình chủ đầu tư đã không khảo sát lại. Người dân không thể biết việc nâng đường cao như thế nào mà họ chỉ biết nâng đường để không còn ngập nên đồng ý”.
Tiếp đó, ông Nguyễn Ngọc Công giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố báo cáo, theo thiết kế đã được Sở Giao thông Vận tải TP phê duyệt, cao độ tim đường 2m, mép đường là 1,7m, chiều cao nâng đường từ 0,7-1,1m. Đây là cao độ được lựa chọn để giải quyết tình trạng ngập nước do triều kết hợp mưa lớn, đỉnh triều lên tới 1,68m. Tổng vốn đầu tư dự án là 730 tỷ đồng.
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế dự án cũng đã đưa ra 3 phương án được nghiên cứu xem xét theo kiến nghị của địa phương để tiếp tục giảm cao độ đường Kinh Dương Vương từ 10-25cm.
Nghe xong, Chủ tịch UBND thành phố phản ứng gay gắt: “Mục tiêu giảm ngập nhưng cả 3 phương án đều vẫn ngập. Giải pháp chống ngập của chúng ta là nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án”.
Vị chủ tịch nói thêm: “Tại sao đơn vị thi công lại chọn khởi công đúng vào mùa mưa, các ông làm ăn kiểu gì nữa, mùa mưa ảnh hưởng ngay đời sống của nhân dân”.
Chủ tịch UBND thành phố chốt lại: “Dự án không thể dừng. Dự án này đã triển khai rồi, chúng ta dừng lại, kéo chậm nữa thì tác động đến việc đi lại, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục hạn chế hiện nay. Tính toán hỗ trợ cho người dân, dọc 2 bên đường Kinh Dương Vương”.
Kết thúc buổi làm việc, ông Phong chỉ đạo các đơn vị liên quan phải nhanh chóng tìm ra giải pháp phối hợp đồng bộ để giảm độ cao vỉa hè, bố trí mương hở, van ngăn chiều… để giải quyết ngập nước triệt để cho cả 90ha ở quận Bình Tân.
Dưới đây chùm ảnh ghi nhận hình ảnh "nhà biến thành hầm" tại đường Kinh Dương Vương:
Việc nâng cao mặt đường để chống ngập làm đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân |