Vụ hai điều dưỡng bị phạt: Bác sĩ nào cũng xót xa thương đồng nghiệp
Hình ảnh cắt từ clip |
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn – Nguyên bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM cho biết, trong vụ việc của hai điều dưỡng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 mắng nhiếc người nhà bệnh nhân nên có cái nhìn khách quan.
Đứng ở vị trí của người điều dưỡng, họ vừa phải chăm sóc bệnh nhân, vừa phải chạy theo bệnh nhân để nhắc họ đóng viện phí nhưng người nhà chầy ì không đóng, trong khi số tiền được ủng hộ cho bệnh nhi đã lên đến 1, 8 tỷ đồng.
Vì quá bức xúc nên hai điều dưỡng mới như thế. Khi bác sĩ Sơn đến gặp hai điều dưỡng trong clip thì họ đều cảm thấy buồn bã, gia đình của họ cũng rất sốc.
Với điều dưỡng Khoa, bác sĩ Sơn kể: “Gia đình anh cũng bị sốc rất nặng sau cú này. Chỉ còn mấy ngày nữa thì Tết, mà cả gia đình không ai có chút ý niệm gì về Tết cả. Anh nói: “Vui gì đâu mà Tết với nhất”. Cả anh Khoa và cô Lâm đều xin nghỉ phép để có thời gian bình tâm.
Cả hai người đều rất ân hận với việc nóng nảy, thiếu kềm chế của mình. Cả hai người đều nhận họ sai hoàn toàn trong chuyện này. Anh Khoa còn nói: “Người ta nói kiếm củi 3 năm, đốt cháy trong 1 giờ. Ở đây tôi kiếm củi tới 25 năm, mà đốt cháy tất cả trong 2 phút”.
Chia sẻ về trường hợp của hai điều dưỡng trên, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương cho biết, chị thực sự cảm thấy xót xa, day dứt.
Theo thạc sĩ Hương, nếu ở Mỹ không đóng viện phí có thể bị cắt thuốc ngay. Vì tinh thần thượng tôn pháp luật của họ rất tốt. Nhưng ở nước ta, chúng ta vẫn không sống trên cơ sở tất cả mọi chuyện đều phải theo pháp luật.
Vốn dĩ thì mỗi bác sĩ, điều dưỡng, khi khoác trên mình tấm áo trắng, họ cũng sẵn có lòng yêu nghề, tự hào với nghề. Sự vụ của 2 điều dưỡng không hẳn trách họ đã không tu dưỡng rèn luyện. Ở một khía cạnh khác, họ là những người giàu trách nhiệm. Họ đã đến nhắc nhở người nhà bệnh nhân đi đóng tiền. Họ biết rõ nếu gia đình này không chịu nộp viện phí thì khoa phòng sẽ bị phê bình, bị cắt thưởng, bác sĩ điều trị phải đền...
Biết bao bức bối bủa vây, công việc quá tải, bệnh nhân nặng thì nhiều, cuộc sống gia đình không được bảo đảm ở mức tối thiểu, bác sĩ thì luôn yêu cầu thực hiện mệnh lệnh thật nhanh và chính xác, vì thế họ cũng áp lực, bức xúc dồn nén lâu ngày.
Bác sĩ Hương chia sẻ: Có lẽ nỗi đau dai dẳng suốt cuộc đời làm nghề của 2 điều dưỡng ấy càng sâu sắc hơn khi phải đọc những lời nhục mạ trên mạng mà phần lớn những lời đó lại do những người chưa hiểu hết sự việc. Họ cứ nhục mạ nhân viên y tế, lúc cần thì chính họ lại xum xoe khúm núm trăm sự nhờ vả. Thật đáng thương hại. Đã đến lúc nhân viên y tế cần được bảo vệ nhiều hơn".
Nói về trường hợp của hai điều dưỡng, một bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tâm sự: "Việc bệnh nhân trốn đóng viện phí dù họ có thể đóng có ở tất cả các bệnh viện. Khi họ không đóng viện phí, mình không được phép cắt thuốc, bỏ điều trị cho họ.
Nhưng họ chầy ì thì các bác sĩ, kíp trực phải chịu trách nhiệm về kinh phí đó. Nhiều lần, các bác sĩ đã phải góp tiền đóng cho bệnh nhân khi họ trốn viện, cố tình không đóng là bình thường. Một vài bệnh viện lớn còn có quỹ cho những trường hợp này nhưng nhiều bệnh viện họ sẽ quy cho cả khoa phòng phải chịu trách nhiệm và lúc ấy bác sĩ, điều dưỡng phải bỏ tiền túi ra đền. Có thể, những điều dưỡng này cũng e dè những điều đó.