Vụ đánh nhà báo: Công an Nhà Bè báo cáo thiếu khách quan
Vụ đánh nhà báo: Công an Nhà Bè báo cáo thiếu khách quan
>> Nhóm công an xã đánh nhà báo vi phạm điều lệ ngành
>> Vụ nhà báo bị đánh hội đồng: Còn nhiều khuất tất
Để làm rõ hơn vụ việc nhà báo Phước Vinh tố cáo bị nhóm công an xã Phước Kiển đánh hội đồng và bản báo cáo của Công an huyện Nhà Bè, PV Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Phú, hiện đang là Trưởng VPĐD phía Nam của Báo Nhà báo & Công luận.

Nhà báo Hữu Phú đang trao đổi với PV
Thưa ông, theo chúng tôi được biết thì trong bản báo cáo của Công an huyện Nhà Bè có nêu chi tiết: nhà báo Phước Vinh đã không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, trong khi đó ông Phước Vinh lại phủ nhận điều này. Vậy, đâu là sự thật?
Tôi có đọc báo cáo của Công an huyện Nhà Bè quy buộc nhà báo Phước Vinh có hành vi “không đội mũ bảo hiểm”, và tôi cũng có trong tay biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà Công an xã Phước Kiển lập vào ngày 5/2 – bản đưa cho người vi phạm giữ - do ông Phước Vinh cung cấp.
Trong biên bản của ông Phước Vinh cung cấp thì dù có cố tìm cũng không hề thấy lỗi vi phạm này, mặc dù có ghi đầy đủ những lỗi vi phạm khác. Chi tiết này làm phát sinh 2 giả thiết: một là Công an huyện Nhà Bè báo cáo sai sự thật, hai là Công an xã Phước Kiển đã ghi biên bản sai.
Theo quan điểm của riêng tôi, thì tôi nghiêng về giả thiết là không hề có lỗi vi phạm này hơn, vì: Giả sử, nếu có hành vi không đội mũ bảo hiểm, thì tại sao trong đoạn đường đi từ Q.1 về huyện Nhà Bè, nhà báo Phước Vinh phải đi qua 4 quận (Q.1, Q.4, Q.7 và huyện Nhà Bè) với lộ trình hơn 10 km, lại không bị tổ Cảnh sát giao thông nào thuộc các quận này phát hiện, xử phạt? Và, nếu phát hiện lỗi này, lý do gì Công an xã Phước Kiển lại không đưa vào biên bản?
Đặt trường hợp là nếu có lỗi vi phạm giao thông về hành vi “không đội mũ bảo hiểm”, việc không ghi vào biên bản quả tang, để đến nay mới “khẳng định” lỗi này trong một bản báo cáo khác, cách làm khó hiểu này của Công an huyện Nhà Bè liệu có hợp pháp?
Có dư luận cho rằng việc nhà báo Phước Vinh ghi hình những sai phạm của nhóm Công an xã Phước Kiển đang làm nhiệm vụ trong khi bản thân mình đang là người vi phạm hành chính là chưa đúng mực, ông có ý kiến gì về việc này?
Trước hết, anh Phước Vinh là người vi phạm lỗi giao thông, đúng anh Vinh đang là người vi phạm. Thế nhưng, không phải anh Vinh là người đang vi phạm hành chính thì không còn tư cách công dân và tư cách nhà báo. Từ đây phát sinh thêm một vấn đề khác: anh Phước Vinh vừa là một công dân đang chờ lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời cũng là một nhà báo.
Với tư cách một công dân, trong hoàn cảnh này, khi phát hiện những sai phạm có thể khiến mình đặt nghi vấn về tính hợp pháp của lực lượng đang thi hành nhiệm vụ, anh Phước Vinh cũng đã có quyền tiến hành thu thập chứng cứ để khiếu nại hoặc trình báo lên cơ quan có trách nhiệm cao hơn.
Bằng phản xạ nghề nghiệp của một nhà báo, anh Phước Vinh sử dụng nghiệp vụ để thu thập bằng chứng là điều hoàn toàn không hề bị pháp luật ngăn cấm vì anh đang tiến hành ghi hình công khai một tổ công tác công khai thuộc lực lượng hoạt động công khai của Công an xã Phước Kiển.

Nhà báo Phước Vinh phải băng bó toàn thân và điều trị dài ngày tại Bệnh viện An Bình (Q.5, TP.HCM)
Việc anh Phước Vinh đang là người chờ lập biên bản vi phạm và việc anh Phước Vinh là công dân hoặc Nhà báo, hoặc là cả hai tư cách tiến hành thu thập chứng cứ sai phạm của tổ công tác Công an xã Phước Kiển là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhất là, theo tường trình của anh Phước Vinh, tổ công tác không có người nào đeo bảng tên, dù trong đó có Công an chính quy, tức là đã vi phạm mục 1 phần III Thông tư số 27/2009/TT-BCA của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn,… khiến người ta buộc phải nghi ngờ tính hợp pháp của tổ công tác này.
Từ đó suy ra, việc ngăn cản không cho anh Phước Vinh ghi hình mình trong lúc đang làm nhiệm vụ, tịch thu phương tiện, xóa ảnh đã chụp… của tổ công tác Công an xã Phước Kiển là hành vi trái pháp luật.
Hành vi này của tổ công tác Công an xã Phước Kiển khiến người ta buộc phải đặt nghi vấn về tính minh bạch của lực lượng Công an đang tác nghiệp lúc đó, buộc phải tin rằng lúc đó họ đang vi phạm điều lệnh ngành thật, vì không còn bằng chứng khách quan nào để chứng minh điều này.
Chúng tôi còn được biết thêm một chi tiết nữa, đó là Cơ quan đại diện phía Nam báo Nhà báo & Công luận đã được phía Công an cung cấp một bản sao lá “đơn cam kết” của ông Phạm Phước Vinh viết tay vào tối 5/2/2012 tại Công an xã Phước Kiển với nội dung hứa không tái phạm hành vi “gây rối trật tự công cộng”?
Có, chúng tôi có được cung cấp bản sao của văn bản này, ở đây lại phát sinh thêm một vấn đề nữa: Chúng tôi chỉ được cung cấp lá đơn cam kết mà không hề được cung cấp biên bản ghi nhận hành vi vi phạm này tại hiện trường theo đúng tinh thần pháp luật.
Nếu không có biên bản lập về hành vi vi phạm này tại hiện trường của Công an xã Phước Kiển, thì đây lại là một chi tiết gây nghi vấn khác của Công an xã Phước Kiển, khiến người ta buộc phải đặt dấu hỏi về hoàn cảnh viết lá đơn: Ông Phước Vinh đã viết lá đơn này trong hoàn cảnh nào, bị ép buộc hay tự nguyện?
Nếu hoàn toàn không có biên bản lập về hành vi vi phạm này tại hiện trường của Công an xã Phước Kiển, và cho phép tôi được đặt giả thiết về sự việc, thì tôi nghiêng về giả thiết là ông Phước Vinh bị ép viết lá đơn cam kết hơn, bởi nếu không hội đủ các yếu tố cần và đủ cho vụ này, thì nội dung lá đơn cam kết trống không đó khiến cho người ta dễ nghĩ là nó được lập ra để nhằm che đậy một hành vi sai phạm nào đó của Công an xã Phước Kiển hơn là mang tính răn đe cho một hành vi phạm của đương sự là ông Phạm Phước Vinh.
Quá nhiều tình tiết mới phát sinh, vậy thì theo ông, nội dung bản báo cáo mà Công an huyện Nhà Bè vừa gửi lên Công an TP.HCM có khách quan, chính xác?
Bản báo cáo chỉ tập trung nói về 3 nội dung: Một là hành vi phạm lỗi giao thông, hai là hành vi gây rối trật tự công cộng, và ba là chuyện ông Phước Vinh tố cáo bị Công an xã chĩa súng, còng tay, đánh hội đồng.
Ở hai nội dung một và hai, như trên đã phân tích, không nói lại nữa. Còn lại nội dung thứ ba, trong bản báo cáo đã thừa nhận là có chĩa súng – nhưng là chĩa công cụ hỗ trợ lên trời, có còng tay, còn việc có đánh hay không thì bản báo cáo ghi rằng chính ông Phạm Phước Vinh là người xô đẩy, đấm đá lực lượng chức năng khi họ áp sát… Xin hãy nhớ rằng: Ông Phước Vinh là một người đàn ông 47 tuổi, chỉ nặng có 50 kg, liệu ông Phước Vinh có đủ dũng khí để tấn công trước một nhóm người toàn những thanh niên to khỏe hơn ông, được trang bị đầy đủ? Và, ông Phước Vinh xô đẩy đấm đá người ta như thế nào mà toàn thân ông lại bầm dập từ trước ra sau, từ trên xuống dưới như thế?
Xin chân thành cảm ơn ông!
Ngọc Khôi