Vụ 20 năm chờ công nhận liệt sĩ: Họp bàn rồi vẫn chưa có kết quả!
Như Infonet đã có loạt bài phản ánhvề việc ông Đinh Thế Phiệt hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ do cơ quan chức năng “không tìm thấy” hồ sơ gốc.
Cụ thể, theo phản ánh của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1975), trú tại thôn 2, xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, ông ngoại của ông Hùng là ông Đinh Thế Phiệt (sinh năm 1917 tại Hoa Lư, Ninh Bình) hy sinh vào tháng 4/1954 tại Hòa Bình khi ông đang trên đường làm nhiệm vụ vận tải vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng đến nay ông Phiệt chưa được công nhận liệt sỹ.
Năm 2001, gia đình gửi hồ sơ đến Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình đề nghị công nhận liệt sỹ, nhưng mãi đến năm 2004 UBND tỉnh Ninh Bình mới chuyển hồ sơ lên Bộ LĐTB&XH. Và đến nay các cơ quan trả lời với gia đình rằng “không tìm thấy hồ sơ”.
Yêu cầu họp kín
Một cuộc họp do Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) chủ trì diễn ra tại Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình vào sáng 07/05/2019. Ngoài thành phần tham dự gồm đại diện Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình và gia đình ông Đinh Thế Phiệt, còn có sự tham dự của hai luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình là Nguyễn Thị Đinh Hương và Lã Tân Thanh (thuộc đoàn Luật sư TP Hà Nội), và phóng viên Infonet.
Ông Nguyễn Duy Kiên (mặc áo xanh cộc tay, ngồi hàng bên tay trái) và đại diện Bộ cùng Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình đang nghe đại diện gia đình ông Đinh Thế Phiệt phát biểu. |
Buổi làm việc kéo dài 50 phút nhưng phải mất nửa thời gian diễn ra tranh cãi giữa luật sư và đại diện Cục Người có công do người chủ trì buổi họp là ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) vì lý do không đồng ý cho luật sư và phóng viên tham dự phiên họp.
Lý do được ông Kiên đưa ra là Cục chỉ mời đại diện Sở và gia đình, ngoài ra không mời thêm thành phần nào khác. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho rằng các luật sư lặn lội về tận nơi để thực hiện việc trợ giúp pháp lý theo lời mời của gia đình, có giấy giới thiệu do văn phòng cử đi.
“Chúng tôi đến đây không ngoài mục đích để nghe và hiểu rõ vấn đề, sau đó tư vấn cho gia đình có những việc làm phù hợp với quy định của pháp luật, để hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sỹ cho ông Đinh Thế Phiệt.”, luật sư Hương nói.
Trụ sở Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình |
Chiều cùng ngày, PV Infonet đã liên lạc qua điện thoại với ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH). Ông Lợi khẳng định Bộ và Cục đều không có chủ trương cấm luật sư và báo chí tham gia. “Bộ hay Cục không có chủ trương cấm, anh em cũng chưa báo cáo lại cho tôi về buổi làm việc này. Nhưng đây là cuộc họp mang tính chuyên môn nghiệp vụ để Cục hướng dẫn Sở tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi hoan nghênh các bên cùng vào cuộc giải quyết”, ông Đào Ngọc Lợi nói. |
Sau một hồi tranh cãi, cuối cùng ông Kiên cũng đồng ý để các luật sư và PV vào dự họp với yêu cầu chỉ được ngồi dự khán.
Nhân chứng phải có lý lịch
Tại buổi họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Kiên cho biết Cục Người có công đồng ý xem xét lại về mặt điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục hồ sơ đối với trường hợp của ông Phiệt. Vấn đề là căn cứ vào đâu để xác minh. Trong đơn, gia đình có liệt kê nhiều người biết việc này (do cả một trung đội toàn là người cùng làng cùng xã đi dân công hỏa tuyến cùng ông Phiệt), tuy nhiên những nhân chứng đó phải trả lời được câu hỏi “tại sao biết”, nghĩa là phải trực tiếp tham gia chiến dịch cùng ông Phiệt và tận mắt chứng kiến ông hy sinh.
“Theo nguyên tắc, những trường hợp làm chứng phải có lý lịch, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm lý lịch cho những người làm chứng đó, để xem xem trong thời gian ông Phiệt mất thì những người đó làm gì, tại sao biết”, ông Nguyễn Duy Kiên nói.
Ông Lâm Xuân Phương - Giám đốc Sở LĐTB&XH và người nhà ông Phiệt nói chuyện sau cuộc họp. |
Cũng theo ông Kiên, việc xác minh lý lịch của những người làm chứng “tương đối đơn giản” vì họ đều là cán bộ hưu trí và đều là Đảng viên. Thậm chí, nếu hồ sơ của những người làm chứng không ghi cụ thể, có thể xét đến hồ sơ lý lịch của con cái những người làm chứng, nhưng phải đảm bảo căn cứ người làm chứng đủ điều kiện.
Ông Kiên nói: “Nếu cung cấp được thông tin đó thì sẽ đưa hồ sơ này vào Quy trình 408, là những hồ sơ còn tồn đọng, chưa giải quyết được. Chúng tôi cần phải có căn cứ để giải quyết. Tạo điều kiện cho người có công nhưng cũng phải đảm bảo tính pháp lý”.
Ông Kiên khẳng định một lần nữa chỉ cần những người làm chứng có lý lịch để đối chiếu. Ngoài ra, gia đình cũng có thể chứng minh từng được hưởng chế độ gia đình liệt sỹ. Chỉ cần có bất kỳ một tài liệu nào chứng minh việc đó là có thể công nhận.
Được biết, ông Đinh Thế Phiệt có 4 người con, trong đó ông Đinh Thế Vận là liệt sỹ chống Mỹ hy sinh năm 1968, người con trai thứ hai là ông Đinh Thế Tải từng được Công an huyện xác minh lý lịch là con liệt sỹ nên được cử đi học tập ở nước ngoài.
Học bạ của ông Đinh Thế Tải hồi đi học cấp II, trong phần khai nghề nghiệp của bố được ghi: "Liệt sỹ". |
Tại cuộc họp, đại diện gia đình cho rằng việc đến thời điểm này còn vướng mắc về hồ sơ không phải là lỗi của gia đình, mà lỗi thuộc về các cơ quan tổ chức, bởi từ năm 2001 gia đình đã gửi hồ sơ nhưng mãi đến năm 2004 UBND tỉnh Ninh Bình mới trình hồ sơ lên Bộ LĐTB&XH.
“Ngày hôm nay (07/05) là kỷ niệm tròn 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đinh Thế Phiệt mất tính đến hôm nay là 65 năm 01 tháng 03 ngày, thời gian đó tương đương với một đời người,” đại diện gia đình đau buồn nói.
Sau đó, cuộc họp kết thúc mà không có kết luận của chủ tọa cũng như không có biên bản cuộc họp, mặc dù Sở LĐTB&XH phải sắp xếp, bố trí mãi mới có thể tổ chức được cuộc họp này.