Với mô hình VNEN, Bộ GD&ĐT đang “mang con bỏ chợ”?
Liên quan đến những bất cập của mô hình trường học mới VNEN trong quá trình thí điểm tại Việt Nam, Nhà giáo Lê Văn Vỵ - Nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: “Hiện nay, thời gian thí điểm của dự án VNEN đã kết thúc. Chúng ta cũng đã tiêu hết 84,6 triệu USD Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ cho dự án này. Khi đã ghi nhận nhiều bất cập về mô hình tại sao cho đến giờ nhiều địa phương vẫn triển khai?
Trong khi đó, theo đúng kế hoạch năm học 2017 – 2018, Bộ GD&ĐT lại triển khai mô hình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình này không hề kế thừa chút nội dung nào của mô hình VNEN. Học sinh của chúng ta sẽ tiếp thu kiến thức thế nào khi mô hình giáo dục liên tục thay đổi?
Thầy Lê Văn Vỵ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hương Sơn (Hà Tĩnh) |
Hiện nay, hệ thống giáo dục của chúng ta đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Liên quan đến mô hình VNEN, có những địa phương triển khai, nhận thấy bất cập nên họ dừng lại và quay trở về phương pháp dạy học truyền thống.
Theo tôi được biết, mỗi địa phương lại triển khai mô hình VNEN theo một kiểu chứ không nhất quán. Đặc biệt là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về triển khai VNEN.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận nhiều bất cập của VNEN. Từ đó, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án triển khai VNEN trong năm học 2016 - 2017: Khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp.
Tức là, Bộ GD&ĐT đã giao lại mô hình này cho tỉnh và UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ở địa phương mình. Như vậy, mô hình VNEN hiện nay rơi vào tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội".
Lớp học theo mô hình VNEN |
Nhà giáo Lê Văn Vỵ cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay các địa phương rất lúng túng trong việc triển khai hay dừng lại với mô hình này. Nếu tiếp tục triển khai VNEN thì ngay từ bây giờ chúng ta phải có kế hoạch về chương trình sách giáo khoa cũng như các tư liệu liên quan.
Trước đó, triển khai mô hình này theo kiểu thí điểm nên sách giáo khoa là sách trải nghiệm được tài trợ. Nếu tiếp tục chương trình thì sách của VNEN phải được Quốc hội thông qua và phải có hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chúng ta chưa có động thái nào về vấn đề này.
Tôi nghĩ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nên thực tế xuống các địa phương và lắng nghe xem giáo viên nói gì. Còn giáo viên cũng nên chia sẻ thẳng thắn những gì nhận thấy về mô hình này vì giáo viên là người trực tiếp triển khai nên hay hoặc dở họ là người nắm rõ hơn ai hết.
Còn như hiện nay, tiếp tục hay dừng lại, nếu tiếp tục thì tiếp tục thế nào? Bộ GD&ĐT nói nên tiếp thu những cái hay của mô hình, trong khi mỗi địa phương triển khai 1 kiểu. Vậy tiếp thu cái gì? Bộ GD&ĐT cũng không hề nói nói. Với mô hình VNEN, Bộ GD&ĐT đang “mang con bỏ chợ” khiến các địa phương như “rắn mất đầu”.
Tôi thì thấy dạy theo VNEN thật quá tốn kém cho học sinh, một cuốn sách giáo khoa chỉ hơn chục nghìn nhưng được các nhà biên soạn “bôi” ra thành 4 cuốn, nội dung kiến thức vẫn như cũ, tốn kém gấp mấy lần”- Thầy Lê Văn Vỵ cho hay.
Được biết, với mô hình này nhiều phụ huynh đang có có học mô hình VNEN tại nhiều địa phương cũng phàn nàn, lo lắng về chương trình. Nhiều người còn lo lắng, nếu tiếp tục học sinh sẽ không đủ trình độ để thi vào lớp 10.
Ngay trong ngành giáo viên tiểu học rất bất bình về cách triển khai mô hình này vì việc triển khai mô hình, hiệu quả đạt được không như mong muốn.