Voi có nguy cơ tuyệt chủng rất cao
Xuân Hội ngộ là chương trình dành cho những Việt kiều luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam |
Tình cờ gặp Tiến sỹ Tuấn Bendixsen trong Xuân hội ngộ 2015 (chương trình tri ân những đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cho đất nước do Bộ Ngoại giao tổ chức), ông đã chia sẻ về những dự định sẽ tiếp tục triển khai trong năm tới nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với các loài động vật.
Sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Tuấn di cư cùng gia đình sang Úc, tại đây ông hoàn thành đề tài nghiên cứu về Khoa học Nông nghiệp tại Đại học Sydney, Úc trước khi trở lại Việt Nam vào cuối năm 2000 và tham gia nhiều hoạt động tình nguyện xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật của nhiều dự án thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Ngoài ra ông còn là chuyên viên cố vấn cho một số tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Hà Nội.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen |
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen chính thức gia nhập Tổ chức Động vật Châu Á năm 2005 và cùng Tổ chức xây dựng Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo với nhiệm vụ chính là đi cứu hộ các cá thể gấu bị nuôi nhốt, ngăn chặn nạn nuôi gấu lấy mật tại các trại gấu tư nhân. Sau thời gian dài đi vận động và cứu hộ, hiện nay, Trung tâm đang là nơi nuôi dưỡng hơn 100 cá thể gấu. Vừa qua, Tiến sỹ Tuấn Bendixsen và Tổ chức của ông còn vận động và thành công trong việc thay đổi cách thức tổ chức Lễ hội Chém lợn (một trong những lễ hội lâu đời nhất của miền Bắc).
Chia sẻ với PV Infonet, ông Tuấn cho biết, hiện nay tại Việt Nam đang còn khoảng trên dưới 50 cá thể voi đang sinh sống ngoài tự nhiên, tuy nhiên, số voi này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắt. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn sụt giảm nhanh chóng số lượng voi hoang dã là do vòng sinh sản của voi rất lâu trong khi tình trạng săn voi lấy ngà lại tăng mạnh. Ngoài ra, việc bị săn bắt, dồn ép khiến voi hoang dã trở nên hung dữ tấn công lại dẫn đến một số vụ voi điên xung đột với người trong những năm qua.
“Nếu như không có phương án bảo vệ quyết liệt thì cũng giống như hổ, tê giác… voi sẽ phải đối diện với nạn tuyệt chủng. Đây thực sự là điều đáng buồn bởi voi đã đi vào lịch sử Việt Nam từ mấy nghìn năm nay rồi” - Tiến sỹ Tuấn Bendixsen chia sẻ.