Vợ ung dung gom tiền gửi tiết kiệm, chồng nai lưng trả lãi ngân hàng
Tôi nghĩ, tiền của vợ, tiền của chồng thì cũng cùng mục đích chung vun đắp cho cuộc sống gia đình, cần san sẻ với nhau khi khó khăn...
Tôi để ý mấy tháng nay, thấy cứ vào giữa tháng là vợ gom tiền đi gửi tiết kiệm. Hồi trước, tôi không quan tâm đến chuyện này, nhưng hiện tôi đang khó khăn quá, loay hoay mãi mà tháng nào cũng không lo đủ tiền trả nợ ngân hàng, tôi muốn nhờ vợ san sẻ.
Nào ngờ, tôi mới ngỏ lời, vợ đã giãy nảy: “Làm thế sao được, đã thống nhất ngay từ đầu rồi mà, khoản nào ra khoản đó chứ”. Tôi cố năn nỉ: “Anh biết là vậy, nhưng giờ công việc khó khăn, anh không lo được”.
Vợ ngúng nguẩy: “Mặc kệ, việc ai người nấy lo”. Biết vợ nói thế là không trông mong gì nữa, tôi ngậm ngùi gọi điện hỏi chỗ cho vay nóng khi ngày trả lãi đến gần.
Trong gia đình tôi, chuyện tiền bạc được phân công rõ ràng giữa vợ và chồng, mỗi người đảm nhận một khoản chi tiêu. Ảnh minh hoạ |
Vợ chồng tôi cưới nhau gần 7 năm, có hai đứa con và xây được nhà hơn 3 năm nay. Khi gia đình tôi còn tá túc ở nhà ngoại thì chuyện tiền bạc dễ thở hơn nhiều. Nhưng từ khi vay tiền làm nhà, mọi chi tiêu đều phải tính toán.
Vợ giao cho tôi hàng tháng trả khoản vay ngân hàng, cả vốn lẫn lãi khoảng 7 triệu đồng, trong khi lương cố định của tôi chỉ 5 triệu. Tính ra, mỗi tháng, tôi phải kiếm thêm từ 2 đến 3 triệu đồng mới lo đủ, vì còn tự xoay xở tiền chi tiêu cá nhân như ăn sáng, đổ xăng.
Mức lương cố định không đổi, nhưng khoản tiền làm thêm không phải lúc nào cũng có khiến tôi khá chật vật. Vợ đảm nhận việc chi tiêu trong gia đình, lo tiền học cho con. Lương vợ khá cao, cô ấy cũng lai rai còn bán thực phẩm qua mạng nên có thu nhập ổn.
Thỉnh thoảng, vợ khoe tôi sổ tiết kiệm để dành được qua từng tháng. Tôi cũng vui lây, mừng vì vợ biết thu vén trong ngoài, lại còn tích luỹ được tiền phòng khi khó khăn.
Mấy năm qua, cuộc sống gia đình tôi trôi qua êm đềm, chuyện tiền bạc rạch ròi như đã phân công. Thu nhập của tôi có tháng đủ, tháng thiếu, nhưng bù qua bù lại vẫn hoàn thành nhiệm vụ vợ giao.
Nhưng những tháng gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, công việc làm thêm không còn. Tôi không kiếm được đồng nào ngoài tiền lương cơ bản. Cứ đến giữa tháng, chưa có tiền trả ngân hàng là tôi như ngồi trên đống lửa. Trong khi, công việc buôn bán của vợ có vẻ thuận lợi hơn từ hồi đầu mùa dịch, mọi người ngại ra ngoài nên đặt mua thực phẩm giao tận nhà nhiều.
Dù tôi giải thích hết lời, vợ vẫn không đồng ý bù cho tôi vài triệu trả lãi ngân hàng mà muốn gửi tiết kiệm để lấy lãi trong khi tôi phải đi vay nóng. Ảnh minh hoạ |
Tôi nghĩ vợ có thể bù cho tôi thêm vài triệu tạm vài tháng để khỏi phải đi vay. Nếu vợ đem gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp hơn số tiền tôi phải vay mượn. Tiền của vợ, tiền của chồng thì cũng cùng mục đích chung vun đắp cho cuộc sống gia đình.
Vợ không muốn như thế, cô ấy cho rằng, tôi phải tự giải quyết vì chuyện tiền bạc cần rõ ràng. Vợ đã lo đủ cho gia đình là xong nhiệm vụ, gửi tiết kiệm là quyền của cô ấy. Tôi kiếm không đủ để trả nợ ngân hàng thì tự xoay xở, để còn có trách nhiệm trả sớm, chứ mượn vợ thì biết khi nào mới trả.
Thật tình, những năm trước, có tháng không đủ tiền trả nợ, tôi phải đi vay mượn để bù rồi sau đó trả dần chứ không hỏi đến tiền của vợ. Nhưng giai đoạn này thực sự khó khăn, không ai dư tiền cho mượn, nếu có vay được tiền cũng khó lòng thu xếp trả sớm.
Đúng là trớ trêu khi vợ mang tiền đi gửi tiết kiệm còn chồng phải vay nóng trả lãi ngân hàng.
Dâu phố cổ 2 tháng sau ngày cưới mới động phòng và những chuyện khó tin
Cả gia đình sống trong ngôi nhà 3m2 ở phố Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày mới về làm dâu, suốt 2 tháng trời, bà Hoàng Thị Dung và chồng không thể 'động phòng” cho đến khi chuyển ra gầm cầu thang.
Theo Hoàng Tuấn/PNO