Vỡ tĩnh mạch thực quản máu chảy ồ ạt do uống rượu
Bệnh nhân đang được bác sĩ chăm sóc |
Bệnh nhân H. V. T. 49 tuổi, trú tại Đoan Hùng – Phú Thọ vào viện trong tình trạng xanh xao da, niêm mạc nhợt, củng mắt vàng, nôn ra máu đỏ tươi, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Theo người nhà bệnh nhân cho biết: bệnh nhân tự nhiên xuất hiện nôn ra máu và đia ngoài ra máu tươi vào buổi sáng cùng ngày vào viện. Đến chiều tình trạng nôn ra máu ngày càng tăng gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy hiểm, xuất huyết tiêu hóa nặng kèm theo các triệu chứng của sốc mất máu, bệnh nhân được đưa ngay đến phòng nội soi tiêu hóa cùng 4 đơn vị máu và huyết tương.
Khi máy nội soi tiến vào đến thực quản qua tâm vị bắt gặp điểm chảy máu liên tục thành tia. Vừa truyền máu cấp cứu các bác sỹ tiến hành thủ thuật thắt tĩnh mạch thực quản cầm máu.Tĩnh mạch thực quản của bệnh nhân giãn rất nhiều (độ III) nên các bác sỹ cần tới 03 đầu thắt mới có thể cầm máu.Sau khi thắt các búi giãn, vỡ tĩnh mạch thực quản tình trạng chảy máu thực quản đã được kiểm soát nhưng bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu nên được chuyển ngay đến khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tích cực.
Thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết thêm: bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm nay và có tiền sử xơ gan nhưng không điều trị thường xuyên và vẫn uống rượu rất nhiều.
Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân cho biết: bệnh nhân có tiền sử xơ gan nhưng không được điều trị thường xuyên và uống rượu nhiều gây nên tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản nặng dẫn đến vỡ tĩnh mạch. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc mất máu rất nguy hiểm (chỉ số HGB: 64 G/L; người bình thường từ 125 – 160 G/L), sau khi được cấp cứu thắt tĩnh mạch thực quản và truyền máu liên tục hiện tại bệnh nhân đã ổn định và đang được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện.
Bác sỹ khuyến cáo: với những bệnh nhân bị xơ gan cần điều trị tích cực, liên tục và không uống rượu, bia. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo lịch và thực hiện theo đúng những lưu ý của bác sỹ điều trị. Đặc biệt, khi có dấu hiệu nôn, đi ngoài ra máu đỏ tươi cần đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời, nếu thời gian không được cấp cứu kéo dài quá lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.