Vô lý bịt đường dân sinh xây... lăng mộ
Đường dân sinh có từ 30 năm, nối liền xóm Quyết Thắng với các xóm lân cận. Đột nhiên, ngày 11/4/2014, con đường bị trưởng tộc họ Đậu (nguyên Trưởng phòng Giao thông huyện Diễn Châu, Nghệ An) huy động con cháu dùng gạch đá xây bịt kín rồi chuyển 4 ngôi mộ đã yên vị hàng trăm năm ra xây rải khắp tuyến đường và tuyên bố đây là... đất của họ.
Diễn biến sự việc
Xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích có 25 hộ dân và 125 nhân khẩu. Suốt 30 năm qua, họ đi trên tuyến đường dân sinh dài 30 m, rộng 3 m, nối thẳng vào trục đường chính. Nằm cạnh con đường này là khu đất có nhà của thương binh Đậu Viết Sửu (72 tuổi) mù cả hai mắt và vợ là bà Hồ Thị Mai, thương binh 4/4 bộ đội Trường Sơn. Sát phía bên kia mảnh đất, cách đường dân sinh khoảng 20 m là ngôi mộ tổ họ Đậu và 4 ngôi mộ nhỏ khác. Suốt những năm qua, đây là tuyến đường giao thông nông thôn huyết mạch để các em học sinh xóm Quyết Thắng, xóm Bắc Hải đi học, nối liền sinh hoạt của xóm với cộng đồng.
Đột nhiên, ngày 11/4/2014, một số con cháu họ Đậu dưới sự chỉ huy của trưởng tộc Đậu Tuấn Huy (SN 1951, xóm Hải Trung, cán bộ hưu trí) chở đá, cát, xi măng đến xây bịt con đường không cho dân qua lại. Bà Hồ Thị Liên, tổ trưởng khu dân cư vội báo chính quyền. Xã lập tức yêu cầu đình chỉ việc xây dựng trái phép, mời ông Huy cùng hội đồng gia tộc lên trao đổi, vận động rồi lập Biên bản số 12 về việc "Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai", ra Quyết định số 28 về "Xử phạt hành chính", ra Quyết định số 29 về "Đình chỉ hành vi, vi phạm hành chính", ra Thông báo số 06 về việc "Tháo dỡ công trình vi phạm"...
Con đường dân sinh đã bị chiếm dụng làm nơi chôn cất mồ mả |
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của UBND xã, ông Huy vẫn chỉ đạo con cháu tiếp tục xây dựng. Không thể chịu được sự ngang ngược này, các hộ dân xóm Quyết Thắng ra xô đổ bờ tường, giải tỏa vật liệu lấy lại đường đi. Để đối phó, họ Đậu lập tức khai quật 4 ngôi mộ nằm phía bên kia mảnh đất hàng trăm năm, chuyển đến chôn cất trải dài trên mặt đường đi. Các hộ dân xóm Quyết Thắng kịp đến, không cho họ Đậu tiếp tục xây các ngôi khác.
Thấy tình hình phức tạp, ngày 16/4/2014, UBND xã Diễn Bích báo cáo vụ việc lên huyện. Huyện có công văn yêu cầu Phòng TNMT, Phòng Công Thương kiểm tra, tham mưu Chủ tịch UBND huyện phương án xử lý. Ngày 21/4/2014, Phòng TNMT, Phòng Công Thương đều có báo cáo "Về việc lấn chiếm đường giao thông đi lại của thôn xóm để xây lăng mộ" khẳng định: "Theo bản đồ 364 lập năm 1992, thửa đất số 55, tờ bản đồ 04 được cấp bìa đỏ cho ông Đậu Tuấn Huy, trưởng tộc họ Đậu từ tháng 12/1997, diện tích 510 m2, trong đó 200 m2 đất nhà thờ, 310 m2 đất vườn, trong sổ mục kê số 01 ở trang 02 cũng thể hiện như vậy.
Cạnh thửa đất số 55 là đường giao thông nông thôn mở từ năm 1984. Việc họ Đậu xóm Quyết Thành ngăn đường xây lăng mộ là sai. Sự việc xảy ra không phải vì họ Đậu không có nơi mai táng mà mang màu sắc tâm linh, cần vận động dòng họ tự tháo dỡ công trình. Nếu không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế, chuyển các ngôi mộ về nơi quy định, trả lại đường dân sinh".
Tâm linh hay phản tâm linh?
Sáng 12/6/2014, chúng tôi có mặt tại mảnh đất đang xảy ra chuyện động trời này, chứng kiến cảnh bà con khối Quyết Thắng bắc ghế thay phiên nhau canh chừng quyết không cho họ Đậu xây tiếp. Các ngôi mộ đã xây trở thành điểm "vui chơi" cho các cháu nhỏ khi chúng đua nhau nhảy từ đỉnh ngôi mộ này lên đỉnh ngôi mộ khác, xe máy, xe đạp chạy sát chân các ngôi mộ vì không còn đường nào. Các bà, các chị quang gánh ngày ngày trèo qua các ngôi mộ đi chợ. Trong lúc đó, 510 m2 đất họ được Nhà nước cấp chỉ tồn tại một ngôi đền nhỏ nằm sát góc phía bên kia, ở giữa là ngôi nhà vợ chồng thương binh Sửu, còn lại là bỏ hoang.
Các hộ dân ngồi canh chừng không cho người họ Đậu tiếp tục xây dựng |
Nhân dân xóm Quyết Thắng bình luận: "Chỉ vì muốn tranh đất, họ đã mang mồ mả tổ tiên đặt vào giữa đường đi để suốt ngày người xe qua lại, mồ mả không yên". Ông Sửu tâm sự: "Năm 1988, tôi chuyển cả gia đình về đây xây nhà ở, lúc đó cái đền kia mới chỉ là một ngôi mộ nhỏ xây bằng một lớp sò đơn giản, được dân gian gọi là mộ mèo, năm 1998 mới xây thành đền. Tôi ở đây đã 26 năm, không hiểu vì sao xã lại cấp bìa đỏ cho ông Huy. Khi tôi đến ở, đường dân sinh đã có. Thời chiến tranh, đây là bãi chiếu bóng, nơi họp chợ, đường hào giao thông. Mấy ngày gần đây, toàn bộ cây cối tôi trồng lâu năm, như gốc liễu, bụi tre, cây xoan và cả vườn na đang cho quả đều bị ông Huy đưa máy cẩu về phá hết".
Họ Đậu lại có lý riêng của mình. Họ cho rằng: Theo di chỉ văn bia kiến tạo năm... 1948, diện tích đất của họ khoảng 3 sào, không có đường đi. Theo sơ đồ 299, lập năm 1980 thì diện tích của họ 710 m2. Năm 1997, khi cấp đất cho ông Huy, họ không biết, xã không hề có thông báo gì về chủ trương nghị quyết mà đơn phương đo đạc lập bản đồ địa chính, mở đường trên đất lăng mộ linh thiêng của dòng họ...
Thay lời kết
Khu đất này hiện nằm giữa khu vực dân cư đông đúc, theo quy định của pháp luật, không cho phép ai được hung táng hoặc cải táng, vì vậy nó chỉ có thể là khu di tích tưởng niệm. Điều 50, Luật Đất đai cũng đã nêu rõ: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao theo quy định cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai. Đường dân sinh có từ năm 1984, bìa đỏ ông Huy được cấp từ năm 1997 và diện tích hiện nay vẫn đủ. Khoảng cách giữa ngôi mộ tổ và đường dân sinh khá xa, không ảnh hưởng gì đến lăng mộ. Không nên lợi dụng vấn đề tâm linh để làm một việc bị dư luận phản đối, pháp luật không công nhận. UBND huyện Diễn Châu cần phải có những động thái quyết liệt hơn để đảm bảo cuộc sống nhân dân, giữ vững kỷ cương phép nước.
Theo Công an Nghệ An