Vỡ đập thủy điện ở Lào: Mực nước ở đồng bằng sông Cửu Long dâng cao gần 10cm
Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra vào sáng nay (25/7), Chi cục Thuỷ lợi miền Nam cho biết, liên quan đến vụ vỡ đập thủy điện ở Lào, ngày hôm qua, Chi cục đã liên hệ nhiều cơ quan liên quan như Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam, cơ quan khí tượng thuỷ văn để tìm hiểu thông tin, được biết lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long khu vực Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) không đáng kể chỉ lên chưa đến 10cm, do đó hiện tại chưa ảnh hưởng gì đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa |
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay các cơ quan của Bộ đang phối hợp với các nhà khoa học nắm bắt thêm thông tin cụ thể để tính toán những tác động tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi đập thuỷ điện Setien Senamnoi của Lào bị vỡ.
Chiều nay 25/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo cùng với các bộ ngành liên quan về vụ vỡ đập thuỷ điện Lào, để đánh giá những tác động tới Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó kịp thời đặc biệt là ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, dung tích toàn bộ của thủy điện này ở thời điểm trước khi vỡ là 1,034 tỉ m3. Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian nước từ thủy điện Setien Senamnoi bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày.
Trước đó, tối ngày 23/7 đập thủy điện Setien Senamnoi ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào bị vỡ khiến hơn 100 người mất tích, trên 1.300 hộ gia đình mất nhà cửa với 6.600 người bị ảnh hưởng. Đến nay lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của 28 người và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Đập thuỷ điện Setien Senamnoi là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.