Vợ chồng trẻ hái quả ngọt nhờ kiên trì biến triền đồi hoang thành trang trại
Quyết tâm vượt khó làm giàu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ (SN 1983) - anh Đoàn Hữu Phú (SN 1978, ở thôn Hợp Đức, xã Hương Minh, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã biến những triền đồi hoang hóa thành mô hình kinh tế tổng hợp.
Bằng sự cần cù, không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ đã biến những triền đồi khô cằn thành vùng đất có giá trị kinh tế cao.
Đến thăm trang trại của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ ở thôn Hợp Đức (xã Hương Minh) vào mùa cam trĩu cành, chúng tôi có cảm giác như lạc vào miền cổ tích, nơi có những vùng đất trù phú tốt tươi. Ít ai biết rằng, nơi đây từng là những triền đồi khô cằn, nghèo nhất xã, đường đi khúc khuỷu, có nhiều đoạn phải lội qua suối, cứ vào mùa mưa lũ là bị cô lập.
Nhớ về khoảng thời gian khó khăn gần 15 năm trước, chị Thơ tâm sự: “Những ngày đầu dựng trại nơi hoang vu hẻo lánh, điện, đường đều chưa có..., không ít người đã chê bai, lời ra tiếng vào. Song, bằng quyết tâm, cố gắng, khát khao vươn lên mãnh liệt, vợ chồng tôi cần mẫn tập trung lao động sản xuất, để từng bước hái quả ngọt...”.
Những gốc cam trĩu quả chờ ngày thu hoạch của gia đình chị Thơ.
Được biết, năm 2010, khi phong trào xóa bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả ở địa phương được xem như “cuộc cách mạng” để làm giàu, vợ chồng chị Thơ đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng từ ngân hàng thuê máy san ủi mặt bằng, phá bỏ gần 2 ha vườn đồi cây tạp để trồng cam.
"Những ngày đầu bắt tay vào làm vất vả lắm. Tờ mờ sáng, vợ chồng tôi đã ra khỏi nhà để đi khai hoang, tay chân lúc nào cũng rướm máu vì vết cào của cỏ dại, của dao, cuốc. Làm đến khi người muốn mệt lả thì tạm nghỉ để uống nước, ăn củ sắn, củ khoai rồi lại tiếp tục đến tận tối mịt mới về nhà. Cũng chính sự vất vả ấy đã hun đúc thêm ý chí làm giàu trong tôi...” - chị Thơ tâm sự.
Ngoài trồng cam, gia đình chị Thơ còn trồng thêm 8 ha keo để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Vật lộn với nắng mưa trong thời gian dài, vườn cam gần 2 ha của gia đình bắt đầu bén đất. Để nâng cao năng suất cây trồng, vợ chồng chị Thơ đã chịu khó học tập kinh nghiệm của các hộ đi trước; thường xuyên đọc sách và tài liệu về trồng, chăm sóc cây có múi; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học do Hội Nông dân huyện Vũ Quang tổ chức để áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, những năm sau đó, vườn cam của gia đình chị sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Chị Thơ cho biết: “Sau nhiều năm trồng, chăm sóc, vườn cam của gia đình cho thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi năm, gần 2 ha cam cho thu hoạch hơn 13 tấn, với giá bán 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, cho nguồn thu 250 triệu đồng”.
Mô hình kinh tế của vợ chồng chị Thơ đã trở thành điểm sáng để các hộ trên địa bàn thôn đến học tập.
Ngoài trồng cam, gia đình chị Thơ còn trồng hơn 8 ha rừng keo nguyên liệu và khoanh nuôi tái sinh cho thu nhập từ 100 triệu đồng/chu kỳ khai thác. Cùng đó, vợ chồng chị Thơ còn chăn nuôi 12 con trâu bò, 30 con lợn giống và hơn 500 con bồ câu..., cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Từ bàn tay yêu lao động đã giúp gia đình chị có cuộc sống sung túc; trở thành tấm gương, động lực để bà con trong thôn học hỏi.
Với nguồn thu nhập ổn định, đầu năm 2018, mô hình kinh tế của gia đình chị Thơ được chính quyền địa phương vận động đăng ký vườn mẫu. Chị Thơ cho biết: "Khi được cán bộ xã đến vận động xây dựng vườn mẫu, tôi đã bàn bạc với chồng tham gia ngay. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, giữa năm 2018, khu vườn của gia đình đạt chuẩn vườn mẫu cấp tỉnh. Đây là động lực để vợ chồng tôi cố gắng hơn”.
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị Thơ đã vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống.
Ông Đoàn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND xã Hương Minh chia sẻ: “Những thành quả mà chị gia đình chị Thơ - anh Phú đạt được không tự nhiên có mà bắt nguồn từ tinh thần lao động nghiêm túc, không chịu khuất phục trước khó khăn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, đi đầu trong xây dựng vườn mẫu, vợ chồng chị Thơ còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, sống chan hòa, gần gũi với bà con trong thôn, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong cung ứng giống, tư vấn khoa học - kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế vườn đồi”.
Nông dân Bắc Giang đưa giống bơ Tây Nguyên về trồng sai trĩu quả, người Đắk Lắk trồng giống vải thiều Hải Dương thu cả trăm tấn
Một nông dân ở Bắc Giang sở hữu trang trại trồng giống bơ từ Tây Nguyên rộng hàng héc ta bắt đầu cho thu hoạch cả tấn quả; trong khi đó anh nông dân Đắk Lắk lại đưa giống vải thiều của Hải Dương vào trồng trên đất Tây Nguyên.
Theo Báo Hà Tĩnh