Vợ chồng đều khỏe, "máy móc ổn định" nhưng... không thể có con
Trước đó, hai người đi khám khắp nơi, chỗ nào cũng khẳng định, tinh binh của anh rất khỏe, “máy móc” của chị cũng tốt. Dù vậy, họ vẫn áp dụng nhiều phương pháp để mong có con, như uống thuốc bắc, cải thiện chế độ ăn uống, canh ngày rụng trứng... nhưng không thành công.
Sau nhiều cố gắng không kết quả, họ quyết định ly dị để mỗi người đi tìm hạnh phúc mới. Song, vì vẫn còn tình cảm nên họ dùng dằng mãi và cuối cùng, trước khi làm thủ tục ly hôn, họ quyết định đi kiểm tra lại một lần nữa. Kết quả làm cả hai bất ngờ: Tinh trùng của người chồng rất khỏe, nhưng thường vào đến cổ tử cung của vợ là "đột tử" bởi ở đó chứa một kháng thể tiêu diệt tinh binh. Và đó chính là nguyên nhân khiến họ không thể có con dù "chuyện ấy" rất hòa hợp và "máy móc" của cả hai đều tốt.
Theo giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trường hợp anh Phú không còn là hiếm gặp tại BV nữa. Nhiều cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, khát khao có con nhưng chờ mấy năm trời vẫn chưa toại ý. Các nghiên cứu về vô sinh cho thấy 40% là do chồng, 40% do vợ, 15% do cả hai vợ chồng và 5% không rõ nguyên nhân. Nếu đi khám, không phát hiện ra vấn đề gì, bác sĩ sẽ xếp vào trường hợp “vô sinh không rõ nguyên nhân”. Các trường hợp này không có nguyên nhân cụ thể để chỉ ra rõ ràng.
Áp lực tâm lý càng khó
GS Tiến giải thích: Đối với người vợ, có thể do phóng noãn không đều hằng tháng (chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn), vì thế, khả năng để tinh trùng thâm nhập khó khăn hơn. Hoặc cơ thể người vợ có kháng thể kháng lại tinh trùng, niêm mạc tử cung không tạo điều kiện cho phôi làm tổ và phát triển.
Với người chồng, có thể do tinh trùng hơi yếu, hoặc tần suất quan hệ tình dục kém, thưa, số lượng tinh trùng ít hơn một chút so với người bình thường. Nếu việc phóng noãn không đều hằng tháng, điều trị kích thích phóng noãn bình thường sẽ có vai trò quan trọng trong việc có con. Tùy từng nguyên nhân khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị theo từng trường hợp của cặp vợ chồng.
Cơ quan sinh dục chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thần kinh. Stress, công việc căng thẳng cũng ảnh hưởng đến lượng tinh trùng cũng như hoạt động của buồng trứng. Ở những nơi có tập quán xây dựng gia đình muộn, tỷ lệ vô sinh sẽ cao hơn. Ngoài ra, nghề nghiệp (nghề phải tiếp xúc với phóng xạ) và các chứng viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục, bệnh viêm nhiễm, nội tiết, sang chấn tâm lý… sẽ ảnh hưởng đến việc rụng trứng và thụ thai. Áp lực công việc, cũng như việc quan hệ tình dục trước hôn nhân khiến viêm lộ tuyến cổ tử cung cũng là nguyên nhân khó có con.
Là người nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực sản phụ khoa, tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết: Đã có rất nhiều cặp ngạc nhiên, băn khoăn, thắc mắc không hiểu tại sao 2 vợ chồng khỏe mạnh, chức năng sinh sản bình thường nhưng khó có con. Tuy nhiên, với chúng tôi đây được xem là những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân mà các nhà khoa học chưa tìm ra căn nguyên của nó.
Tuy nhiên, không vì thế mà các cặp vợ chồng bi quan. Nếu tuổi còn trẻ thì vợ chồng nên bình tĩnh chờ đợi, nhưng nếu tuổi cao (khoảng ngoài 30 tuổi trở lên), nên tính đến làm thụ tinh trong ống nghiệm, bởi từ 33 tuổi trở lên, khả năng có con sẽ giảm xuống. Tùy từng trường hợp cụ thể, nhưng thường một lần thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ 30% - 35% là thành công. Nhiều trường hợp phải làm lại đến lần hai, lần ba… mới thành công.