VNPT tìm sức bật từ "Cơ chế 46"
VNPT tìm sức bật từ "Cơ chế 46"
"Chiếc xe siêu trường, siêu trọng" tìm mối liên kết
Có lẽ đã qua cái thời các doanh nghiệp hay đổ lỗi cho cơ chế chung chung khiến họ gặp khó. Hiện giờ, chính những người chèo lái doanh nghiệp phải tự tìm ra cơ chế giúp doanh nghiệp mình phát triển. VNPT từng được ví như chiếc xe "siêu trường, siêu trọng lách trong phố cổ". Hình ảnh này nói lên một cách đầy đủ và trực quan sinh động về việc vận hành bộ máy của VNPT trong thị trường viễn thông. Trước sức ép cạnh tranh, "cỗ xe siêu trường, siêu trọng" này không thể đi nhanh, tiến xa so với những đối thủ khác. Như vậy, những người chèo lái "con thuyền" VNPT phải tìm ra chính sách để biến cỗ xe ì ạch này thành đoàn tàu đầy sức mạnh với từng toa tàu được liên kết chặt chẽ.
Cơ chế 46 đã tạo sức bật mới trong quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. VNPT cho biết, cơ chế này nhằm tạo môi trường để các đơn vị thành viên Tập đoàn thực hiện hợp tác kinh doanh thông qua những hợp đồng kinh tế nội bộ với tiêu chí vừa đảm bảo hạch toán riêng, vừa đảm bảo lợi ích của các đơn vị. Đây chính là động lực cho các đơn vị thành viên hợp tác SX-KD, tránh trường hợp không xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi như trước.
Như vậy, cơ chế này sẽ tăng cường phối hợp trong kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ VT - CNTT giữa các đơn vị, đồng thời tiết kiệm chi phí, tập trung vào tính hiệu quả trong kinh doanh và đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Cơ chế 46 cũng hướng tới mục tiêu phát huy tối đa năng lực hạ tầng mạng lưới với việc đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa mạng lưới như việc chuyển mạng (Roaming) cho các thuê bao trả trước trong nước, quốc tế và dịch vụ dữ liệu giữa 2 mạng MobiFone và VinaPhone.
Theo đánh giá của VNPT, sau hơn 1 năm triển khai, Cơ chế 46 đã bước đầu tạo ra sự sức bật mới trong SX-KD; làm thay đổi tư duy kinh doanh từ cấp lãnh đạo đơn vị cho đến người lao động. Đây là bước chuyển biến về nhận thức, tính chủ động, thích ứng với cơ chế thị trường; nhìn nhận đúng năng lực, hiệu quả kinh doanh của mình để từ đó quyết liệt tìm ra nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả; thực hiện tiết kiệm, phối hợp chặt chẽ để tăng doanh thu, giữ vững và giành lại thị phần.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng giám đốc VNPT nhấn mạnh, việc thực hiện tốt cơ chế kinh tế nội bộ có thể coi là nhân tố sống còn đối với sự phát triển của Tập đoàn và là tiền đề, cơ sở để xây dựng phương án tái cơ cấu mô hình Tập đoàn.
|
VNPT địa phương nói gì về Cơ chế 46?
Theo đánh giá của các VNPT địa phương, Cơ chế 46 đã hỗ trợ tích cực các đơn vị trong việc hạch toán kinh doanh; đồng thời là bước tập dượt tạo điều kiện cho các địa phương chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH 1 thành viên.
VNPT Phú Yên cho biết: Cơ chế 46 giống như "cú huých" tạo động lực cho các đơn vị trong hoạt động SX-KD. Cơ chế hạch toán này đã thay đổi cơ bản từ nhận thức đến hành động của VNPT địa phương trong bài toán kinh doanh. Từ đó, quy trình, cách thức tổ chức SX-KD cũng được sắp xếp lại, tập trung phát triển những dịch vụ mang về doanh thu và lợi nhuận cao. Cùng quan điểm này, VNPT Quảng Nam cho rằng, Cơ chế 46 đã đưa ra bài toán cụ thể về cơ chế ăn chia, hạch toán nội bộ một cách rõ ràng; là cơ sở để VNPT địa phương giao cơ chế khoán xuống tận những đơn vị cơ sở về đơn giá, doanh thu, tiền lương… tạo điều kiện để các Trung tâm trực thuộc tự cân đối nguồn lực hợp lý để kinh doanh đạt hiệu quả.
Còn theo đại diện VNPT Kon Tum, Cơ chế 46 giúp các VNPT địa phương nâng cao trách nhiệm quyền lợi rõ ràng và biết được năng lực thực tế của mình. Bên cạnh đó, các công ty chủ dịch vụ cũng nâng cao trách nhiệm hơn, hỗ trợ các VNPT địa phương trong công tác chăm sóc khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như thương hiệu của VNPT. Tương tự, nhờ có Cơ chế 46, VNPT Hà Tĩnh đã có hợp đồng nội bộ với các công ty chủ dịch vụ VNP, VDC, VTN, VTI, VASC. Trong hợp đồng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các công ty dọc và VNPT Hà Tĩnh khi cung cấp dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng, phân chia nguồn chi phí và doanh thu khi triển khai các gói cước.
Ông Lương Hồng Khanh - Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng:
"Sau hơn 1 năm triển khai, Cơ chế 46 của Tập đoàn VNPT đã khẳng định hướng đi đúng. Trước tiên, chúng ta đã làm được một việc rất khó là định lượng tương đối rõ ràng sự đóng góp của các đơn vị thành viên để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh từ đó phân chia doanh thu theo mức độ đóng góp. Với cơ chế này, các đơn vị thành viên phải xác định rõ trách nhiệm cùng nhau chăm sóc khách hàng, phát triển dịch vụ… Có như vậy, lợi ích tổng thể của toàn Tập đoàn mới tăng lên. Tuy nhiên, Cơ chế 46 cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt là vấn đề định lượng được rõ sự đóng góp và chi phí của các đơn vị trong Tập đoàn để tạo ra 1 sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh bởi hiện nay các Viễn thông tỉnh/thành gặp rất nhiều khó khăn về chi phí, chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi doanh thu và tỷ lệ phân chia doanh thu nội bộ ở một số dịch vụ chưa hợp lý".
Ông Dương Tuấn Anh, Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế:
"Cơ chế 46 đã đóng góp tích cực đến hoạt động SX-KD của VNPT Thừa Thiên Huế; làm rõ được quyền lợi và trách nhiệm giữa các đơn vị trực thuộc VNPT trong việc phát triển dịch vụ. Đây là động lực giúp cho các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng những giải pháp kinh doanh để phát triển dịch vụ, chăm sóc khách hàng nhằm tăng doanh thu. Đồng thời, giúp cho đơn vị xác định được phần doanh thu khi phối hợp với các đơn vị khác để triển khai dịch vụ.Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng có nhiều khó khăn: lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; thị trường viễn thông tiếp tục cạnh tranh gay gắt… Tuy vậy, việc triển khai cơ chế 46 đã giúp VNPT Thừa Thiên Huế duy trì tốt nhịp độ tăng trưởng về doanh thu, hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận Tập đoàn giao, đưa VNPT Thừa Thiên Huế đứng trong Top 10 viễn thông tỉnh thành kinh doanh có hiệu quả, được Chính phủ tặng cờ là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011".
Nhóm phóng viên ICTnews