Viêm khớp, lồi đĩa đệm do đi giầy cao gót quá nhiều
Giày cao gót có thể khiến chị em bị xẹp xương cổ chân |
Bệnh xương khớp từ giày cao gót
Chị Trương Thanh Hà trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là tín đồ của giày cao gót. Chị Hà có chiều cao khiêm tốn nên giày cao gót là trợ thủ giúp chị tăng chiều cao. Từ khi vào đại học đến nay đã 12 năm, lúc nào chị cũng đi đôi giày cao gót từ 9cm đến 12 cm. Khi bầu bí chị hạ thấp độ cao xuống còn 5cm.
Với chị Hà, không thể thiếu giày cao gót 1 ngày. Cả tủ giày của chị đôi nào thấp cũng 9cm. Gần đây, chị Hà bị đau lưng. Chị nghi do thiếu can xi ở phụ nữ nên uống bổ sung can xi mà không đi bệnh viện. Càng ngày càng đau, chị chuyển sang tiêm kháng sinh. Chị đi khám ở một bệnh viện tư, bác sĩ chụp XQ cho rằng chị bị viêm khớp. Chữa hai tháng bệnh không đỡ.
Tháng 10 vừa qua, chị qua Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chụp CT, bác sĩ chẩn đoán chị bị lồi đĩa đệm và phải nằm điều trị và đeo đai. Lúc này, bác sĩ khuyến cáo chị không được đi giày cao gót. Chị Hà nghĩ rằng giày cao gót không ảnh hưởng đến xương khớp, khi bác sĩ chỉ ra hàng loạt nguy cơ từ giày cao gót, chị mới giật mình và từ giã những đôi giày điệu đà của mình.
Trường hợp của Vũ Diệu Thùy trú tại Xa La, Hà Đông, Hà Nội cũng tương tự. Thùy tự tin khi đi giày cao gót và cho rằng khi mang thai đeo dày cao gót mẹ bầu càng quyến rũ. Chị Thùy kiên quyết đeo giày. Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, chị thấy mình bị chuột rút nhiều, đau bàn chân đi khám bác sĩ cho biết đó là tác dụng phụ của giày cao gót.
Chiều cao chỉ được 1 mét 47 nên chị Vũ Thị Huệ trú tại Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cũng không thể bỏ qua đôi giày cao gót được. Tuy nhiên mới 30 tuổi chị đã bị thoát vị đĩa đệm. Hiện nay chị đang điều trị bằng châm cứu nhưng bệnh rất khó cải thiện. Nhiều lần, chị thở dài vì nguyên nhân đi giày cao gót từ năm 17 tuổi của mình đã ảnh hưởng đến xương khớp.
Nguy cơ xẹp xương cổ chân
Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ còn bị ngã do đi giày cao gót mang đến. Khi đi giày cao gót, ngã thường hay bị gãy cổ xương đùi nhất là ở chị em mãn kinh thường đi kèm với loãng xương. Với chấn thương gãy cổ xương đùi, bác sĩ Hưng cho biết ngày xưa cứ gẫy cổ xương đùi coi như là chết. Bởi vì gãy cổ xương đùi bệnh nhân phải đeo nẹp nằm một chỗ.
Ngày nay, có thể phẫu thuật nhưng phải phẫu thuật thay khớp háng. Bởi vì khi bệnh nhân bị loãng xương kèm thêm cắt đứt nguồn máu nuôi thì khả năng liền xương sau kết hợp xương hầu như không có, biến chứng hoại tử chỏm xương đùi vẫn còn tồn tại nên không đạt được kết quả lâu dài. Vì vậy, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo có kết quả lâu dài hơn nhiều. Sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy được, tự xoay trở, đi lại được bình thường, tránh những biến chứng do nằm lâu.