Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và cách điều trị
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là loại hay gặp nhất không do kiến cắn mà do tiếp xúc của côn trùng này với da. Bệnh hay xảy ra vào mùa mưa ẩm.
Độc tố gây viêm da
Theo ThS BS. Tạ Quốc Hưng - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hiện kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều nơi. Tại phòng khám Da liễu, ThS Hưng cũng gặp nhiều bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang.
Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang là một dạng viêm da khá phổ biến, bên cạnh các chứng viêm da thường gặp như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da dầu…
Theo thạc sĩ Hưng, độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Nếu người tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang qua tuần hoàn không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
Khi tiếp xúc với nó, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết, chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh.
Kiến ba khoang nguy hiểm thế nào? |
Việc phóng độc tố paederin chỉ xuất hiện ở những con kiến ba khoang cái và phụ thuộc vào dạng mầm bệnh nhất định, như loài endosymbiont (loài vi khuẩn Pseudomonas), có trong kiến ba khoang. Paederin gây phồng rộp rất mạnh và gây ra phản ứng viêm da khoảng 12 - 24 giờ sau khi tiếp xúc. Các phản ứng khác nhau được nhìn thấy trên da tùy thuộc vào hàm lượng độc tố, thời gian tiếp xúc và đặc điểm da của từng người.
Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Bác sĩ Hưng cho biết khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, dấu hiệu ban đầu là ngứa, rát bỏng, có khi đau.
Thời gian tiến triển của của viêm nhiễm kéo dài từ 1 đến 3 tuần, tùy thuộc vào lượng độc tố paederin của côn trùng trên da. Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang thường có các biểu hiện tương tự viêm da tiếp xúc kích ứng do thực vật, chỉ khác nhau ở hoàn cảnh bị tác động.
Có thể phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với các dạng viêm da tiếp xúc do hoá chất, viêm da tiếp xúc dị ứng, zona (giời leo), mụn rộp (nhiễm Herpes)… dựa vào việc thương tổn da xuất hiện nhanh sau cảm giác nóng rát, châm chích ở vùng da đó, có hình dạng “tùy tiện”, trên bất kỳ vùng da nào bị tiếp xúc.
Khi bị viêm da do kiến ba khoang, tùy vào tình trạng viêm da ở các trường hợp nặng nhẹ để có thể điều trị. Nếu bệnh nhẹ có thể tự khỏi. Có thể loại bỏ chất gây kích ứng bằng cách rửa nhẹ nhàng khu vực ảnh hưởng bằng xà phòng và nước.
Vị trí phồng rộp nên được điều trị bằng cách ngâm nước sạch, sau đó là bôi một loại thuốc kháng viêm mạnh. Uống ciprofloxacin và bôi steroid giúp thương tổn lành nhanh hơn trong trường hợp viêm da tiếp xúc kiến ba khoang mang vi khuẩn Pseudomonas.
Điều trị toàn thân có thể dùng kháng histamin uống để giảm triệu chứng ngứa rát. Có thể dùng thuốc giảm đau, an thần và kháng sinh chống nhiễm trùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da Liễu.
Nên phòng bệnh bằng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, tránh đập nát chúng mà dùng giấy gói lại rồi vứt đi. Vùng tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa đi bằng xà phòng êm dịu da và nước. Quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến cần được giặt thật kỹ.
Kiến ba khoang sống trong môi trường ẩm ướt và sự tồn tại của loài kiến này giúp ích cho nông nghiệp vì chúng sẽ ăn các loài sâu bọ hại cây trồng. Loại kiến này chủ yếu sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Nhất là vào mùa mưa khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Chúng rất ưa ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn… nếu cửa nhà mở.
Tránh thu hút kiến bằng đèn sáng, nên đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm. Tốt nhất là tắt đèn, vừa tiết kiệm điện lại tránh xa kiến. Khi bị bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng hướng và kịp thời.
Khánh Chi