Vì sao sốt xuất huyết bùng phát ở Tây Nguyên và cách triệt để cắt nguồn bệnh
Có thể nói Tây Nguyên hiện đang là điểm nóng của cả nước về bệnh sốt xuất huyết với những diễn biến rất nghiêm trọng khi số mắc tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2015. Nếu so sánh với mùa dịch năm ngoái thì việc bùng phát sốt xuất huyết ở các tỉnh Tây Nguyên có thể coi là đi ngược lại với quy luật chung vì thông thường, sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao chứ không phải khu vực ít người như Tây Nguyên.
Trở về sau chuyến thị sát tại khu vực miền Trung Tây Nguyên, PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết, lý do khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên vì thời tiết thất thường của năm 2016.
Do thời tiết nắng nóng kéo dài từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên tại khu vực Tây Nguyên không còn mùa đông, không còn đợt thời gian lạnh như mọi năm khiến đàn muỗi (có thể đang chứa virus) không bị tiêu diệt và tiếp tục phát tán mầm bệnh. Thêm vào đó, năm nay, mùa mưa tại khu vực này đến sớm cũng là một yếu tố khiến dịch bệnh có điều kiện bùng phát.
PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết, tiêu diệt muỗi chỉ là giải pháp phần ngọn nếu không tiêu diệt trứng muỗi, tiêu diệt ổ lăng quăng. Trong vòng đời của mình, 1 con muỗi có thể đẻ được 4-5 lần, mỗi lần từ 100 – 200 trứng, do đó nếu chỉ diệt muỗi mà không tìm ra ổ bọ gậy nguồn thì cũng không thể dập tắt được dịch sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, tại các khu vực khi xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết thì phải xử lý triệt để đàn muỗi tại khu vực đó trong vòng 8 ngày mới khống chế được dịch lây lan. Ngoài ra, ở khu vực xung quanh các cơ sở y tế tập trung nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vì trong 4-5 ngày đầu tiên phát bệnh, virus Dengue phát triển mạnh nhất nên sẽ rất dễ lây lan qua đường muỗi đốt.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết hiện nay chưa có vắc xin và biện pháp điều trị hữu hiệu bệnh sốt xuất huyết nên biện pháp phòng ngừa bằng cách tiêu diệt lăng quăng và muỗi là chủ yếu. Các nhà dịch tễ học gọi sốt xuất huyết là vấn đề của thế kỉ 21 vì cứ 10 năm là dịch tăng gấp đôi. Không chỉ ở các nước đang phát triển như Việt Nam mà cả các nước ở châu Âu cũng phải đối mặt với căn bệnh này. Riêng ở Singapore, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân là gấp đôi so với Việt Nam.
Nếu chỉ trông chờ vào mỗi lực lượng y tế để kiểm soát dịch thì chắc chắn sẽ thất bại, vì thế, chỉ cần mỗi gia đình mỗi tuần bỏ ra 10 phút kiểm tra, làm vệ sinh trong nhà và khu vực mình ở, không để tồn tại các điểm đọng nước, các ổ lăng quăng thì mới khống chế và giảm bớt được các ca mắc sốt xuất huyết.