Vì sao phòng khám Trung Quốc tai tiếng vẫn đắt khách?
Vì sao phòng khám Trung Quốc tai tiếng vẫn đắt khách?
Sự thật khó tin bên trong phòng khám Maria gây chết người
Đắt "cắt cổ" như phòng khám tự nguyện BV công
Gầm giường, hành lang bệnh viện cũng không còn chỗ chen
Quá tải ở bệnh viện công
Trước thực tế quá tải tại các bệnh viện (BV) tuyến trên hiện nay, thì việc người bệnh tìm đến những phòng khám Trung Quốc (PKTQ) là điều đương nhiên. Không tính đến chi phí, chỉ riêng việc người bệnh luôn được săn đón, với đội ngũ tư vấn lúc nào cũng tỏ ra nhiệt tình đã khiến những nơi này trở lên thu hút.
Nếu như tại các BV công, bệnh nhân thường phải chịu thái độ không thân thiện, đôi khi khó chịu của y bác sĩ, thì tại những PKTQ điều này hoàn toàn ngược lại. Ngay từ khi bước vào bệnh nhân đã được các nhân viên lễ tân hỏi han, chăm sóc tỉ mỉ. Điều này đã tạo được thiện cảm với nhiều người.
Sự quá tải của BV công đã khiến người dân tìm đến các phòng khám bên ngoài
Anh Lê Thanh L. ngụ quận Tân Bình cho biết, cách đây 3 tháng anh có vào khám bệnh tại phòng khám T.N, đường 3/2. Ngay khi vào anh đã được các nhân viên tư vấn tại đây thăm hỏi bệnh tình rất kỹ, chỗ ngồi lại mát mẻ, thoải mái… “khác một trời một vực với các BV công”.
Hiện nay, để tới lượt khám tại các BV công, trung bình người bệnh phải chờ từ 2 đến 3h, cá biệt trong những ngày cao điểm phải chờ tới… hôm sau. Điều này đã khiến rất nhiều người chán nản, thậm chí bực bội. Với những người ở xa, phải ở thêm một ngày cũng đồng nghĩa với việc chi phí bị tăng lên rất nhiều. Trong khi đó tại các PKTQ người bệnh sẽ được khám gần như ngay lập tức.
Quảng cáo rầm rộ
Nếu như những năm trước đây, các phòng khám này chỉ tiến hành phát tờ rơi, hay in quảng cáo tại những tạp chí ít tên tuổi, thì ngày nay hình thức này đã được chuyên nghiệp hóa hơn hẳn.
Thay cho những tờ rơi đơn điệu trước kia là những câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm, bài thuốc… được lồng ghép khéo léo trong các bài viết in dưới dạng những cuốn cẩm nang, tạp chí. Giá trị thông tin từ đó cũng tăng theo trong mắt nhiều người.
Không chỉ dừng lại ở việc phát các tờ rơi, cẩm nang có in nội dung chữa bệnh, những phòng khám này còn thực hiện nhiều đoạn phim công phu, và tiến hành quảng cáo liên tục trên các đài truyền hình ven TP.HCM như: Long An, Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Phước…
Một quảng cáo được phát trên Đài truyền hình Bình Phước: Ảnh: PL.TP
Những hình thức trên, cộng với các thông tin về hiệu quả chữa bệnh, các loại thuốc luôn được thổi phồng, và cả các “chuyên gia y tế Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép”… đã đánh trúng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của nhiều người.
Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân của các PKTQ là những người từ các tỉnh xa, các vùng ven thành phố lớn. Với lượng thông tin ít ỏi có được, những lời quảng cáo “có cánh” này ngay lập tức trở thành chiếc phao cứu sinh trong con mắt của nhiều bệnh nhân.
Trò chuyện với chị Huỳnh Thị Thạnh, ngụ Tân Châu, Tây Ninh tại bến xe An Sương, chị cho biết: “Tui nghe quảng cáo trên ti vi hay quá nên quyết định tới khám, trên đó họ nói đảm bảo khỏi bệnh”. Nhiều người như chị vẫn đinh ninh rằng “đã được phát trên đài của tỉnh không lẽ lại lừa đảo”.
Chỉ đến khi PV đưa ra những bài báo mới đây về tình trạng các “bác sĩ” Trung Quốc bỏ trốn, nhiều phòng khám bị xử phạt thì chị mới giật mình và quyết định vào khám tại BV Từ Dũ vì “biết sao bây giờ!”.
Quản lý lỏng lẻo
Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý, trực tiếp ở đây là các Sở Y tế bởi sai phạm của những phòng khám thuộc loại này có tính chất hệ thống, đã xảy ra trong thời gian dài, nhưng cơ quan này tỏ ra bất lực.
Chính trong văn bản số 5678/SYT-QLDVYT (tháng 10/2011) về việc quản lý phòng khám có y, bác sĩ Trung Quốc, Sở Y tế TP.HCM đã thừa nhận vào thời điểm đó phòng chẩn trị có y, bác sĩ Trung Quốc đều có vi phạm như: Không thực hiện việc kê đơn bằng tiếng Việt theo quy định; quảng cáo khi chưa có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định; cơ sở hành nghề không có biển hiệu đúng theo quy định; không thực hiện việc mở sổ sách thống kê, theo dõi số lượng bệnh nhân; không lưu sổ kê đơn thuốc.
Từ đó đến nay đã gần 1 năm trôi qua nhưng những sai phạm mới vẫn liên tục được phát hiện. Trong đợt kiểm tra tháng 6/2012 Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã phát hiện 10/12 cơ sở vi phạm. Thêm đó, việc một số “bác sĩ” người Trung Quốc rời khỏi phòng khám ngay trước khi đoàn kiểm tra ập tới là hết sức khó hiểu.
Ngoài câu hỏi về công tác hậu kiểm của Sở Y tế TP, phải chăng còn câu hỏi về sự bao che của cơ quan chức năng, hay các chế tài hiện tại chưa đủ sức quản lý, răn đe?
Một trong những phòng khám bị rút giấy phép
Đột nhiên “lặn”
Theo khảo sát của PV báo điện tử Infonet, vào chiều ngày 17/7 nhiều PKTQ tại TP.HCM đã đóng cửa hoặc co vào cảnh giác. Khi PV vào một phòng khám tại khu vực Đầm Sen thì được nhân viên ở đây thông báo “bác sĩ đi vắng”.
Người dân sống xung quanh những phòng khám này cho biết, kể từ khi các bài báo nêu ra những sai phạm xuất hiện liên tục, kèm theo đó là các hoạt động thanh tra, một số nơi đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân.
Nguyên Đức