Vì sao phải tiêu hủy hết lợn bị nhiễm virus dịch tả châu Phi?
Tiêu hủy lợn bị nhiễm virus dịch tả châu Phi. (Ảnh minh họa) |
Theo cơ quan chức năng, đối với dịch tả lợn châu Phi, do chưa có vắc-xin phòng, trong khi đó virus dịch tả lại có thể sống sót suốt vài tháng trong môi trường và xác lợn, việc ướp muối hay nướng và xông khói thịt lợn cũng không thể tiêu diệt được virus.
Ngoài ra, virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami.
Virus dịch tả lợn châu Phi cũng có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên virus có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng.
Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
Virus sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, lợn khỏi bệnh về lâm sàng có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Mặc dù con người không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi nhưng lại có thể lan truyền virus thông qua trang phục hoặc thiết bị nhiễm khuẩn, do đó khi phát hiện có xâm nhiễm dịch phải tiêu hủy toàn bộ lợn bị nhiễm virus dịch tả châu Phi.