Vì sao New START là một ‘điểm sáng’ hiếm hoi trong quan hệ Nga - Mỹ?
Theo Defense News, quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhưng vẫn có "điểm sáng" hiếm hoi, đó là hiệp ước New START.
Cụ thể, hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới chỉ có một Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) để giới hạn vũ khí trang bị của nhau. Mặc dù không bên nào thích ý tưởng về việc mở rộng, nhưng đây là điều tốt nhất nên làm bây giờ vì thời gian không còn nhiều.
Được biết, Hiệp ước New START được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
“Không có quá nhiều điểm sáng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ hiện nay. Nhưng cũng giống như các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí đóng vai trò ổn định trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Washington và Moscow trong Chiến tranh Lạnh, thì các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược ngày nay có thể giúp chấm dứt sự suy thoái lâu dài của các mối quan hệ song phương quan trọng này”, Defense News nhận định.
Các nhà ngoại giao Mỹ và Nga mới đây đã gặp nhau ở Vienna, và Moscow cho rằng đó là “sự chuyên nghiệp” từ phía Mỹ. Nhưng các cuộc đối thoại này đang diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Nga và Mỹ đặc biệt căng thẳng và sự thiếu tin cậy lẫn nhau chưa bao giờ tăng cao như vậy kể từ đầu những năm 1980.
Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, theo Defense News, hai nước vẫn còn cơ hội để cải thiện quan hệ. Nhưng chỉ khi chính quyền ông Trump không liên kết việc gia hạn New START với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầy phức tạp khác.
Với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời Mở, thì New START là cơ chế duy nhất ngăn hai cường quốc hùng mạnh xây dựng kho vũ khí. Nga ủng hộ việc gia hạn New START và giới chuyên gia dường cho rằng điều này là khá dễ hiểu. Hiệp ước không chỉ hạn chế kho vũ khí mà còn cho phép các quốc gia tiếp cận và cung cấp thông tin về nhau, điều này sẽ xây dựng lòng tin giữa các nước.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong một thập kỷ, điều cuối cùng mà thế giới không mong muốn bây giờ là một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai lực lượng đã sở hữu hơn 90% kho hạt nhân trên thế giới. Nhưng nếu chính quyền ông Trump tiếp tục kéo dài quy trình và lãng phí thời gian, điều này sẽ xảy ra”, Defense News nhấn mạnh.
Cách “tiếp cận” vấn đề của nhà chức trách Mỹ
Theo đó, Defense News chỉ ra hai vấn đề trong cách tiếp cận hiện tại của các nhà chức trách Mỹ. Thứ nhất, đơn giản là không có thời gian để đàm phán về một thỏa thuận ổn định chiến lược mới, New START sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Và việc đưa Trung Quốc lên bàn đàm phán để thảo luận các vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, bao gồm quá trình đảm bảo tính minh bạch và xác thực các kho vũ khí hạt nhân đơn giản là không thể trong 6 tháng. Trước đó, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã mất 3 năm để chuẩn bị một thỏa thuận về việc kiểm soát kho vũ khí tên lửa tầm trung của họ ở châu Âu. Khả năng có thể đạt được một thỏa thuận bao gồm nhiều loại vũ khí hơn, nhiều người tham gia hơn, quy trình xác minh chặt chẽ hơn, trong thời gian ngắn hơn, tương đương với xác suất trúng giải độc đắc trong xổ số kiểu Mỹ.
Thứ hai, là nằm ở chính Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc khẳng định họ “chống lại” hiệp ước ba bên. Theo Defense News, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chiếm 1/20 kho vũ khí của Mỹ, nên việc nước này tham gia các cuộc đàm phán như vậy chẳng có nghĩa lý gì. Do đó, Washington càng “khăng khăng” với lựa chọn này thì càng có nhiều rủi ro.
Ngoài ra, các chuyên gia của Defense News đồng ý rằng Trung Quốc đang phát triển vũ khí hạt nhân và đang cố gắng xây dựng các tiềm năng của mình. Và Nga cũng đang cố gắng đa dạng hóa năng lực, tăng cường chương trình tên lửa. Tất cả những yếu tố này vẫn phải được xử lý. Tuy nhiên, nhiệm vụ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu Washington “để thỏa thuận (New START) hiện có cuối cùng giữa Mỹ và Nga tan vỡ”.
Việc gia hạn New START đơn giản sẽ không theo ý muốn của bất kỳ nước nào, nhưng trong ngắn hạn đây sẽ là điều tốt nhất mà Mỹ có thể tin tưởng. “Giải cứu New START sẽ cần thêm thời gian, một phần để duy trì sự ổn định chiến lược của “chế độ” đang tan rã và giúp Washington - Moscow tạo ra những rằng buộc cho mối quan hệ song phương đang khó khăn trước khi chúng rơi xuống vực thẳm”, Defense News kết luận.
Không còn sự lựa chọn, ông Lukashenko buộc phải nhượng bộ Nga?
Tờ El Pais nhận định, các cuộc biểu tình ở Belarus đã buộc Tổng thống Alexander Lukashenko phải xem xét lại lập trường của mình về "hòa hợp" với Nga để đổi lấy sự ủng hộ của Điện Kremlin.
Thanh Bình (lược dịch)