Vì sao làn sóng nhân sự rời bỏ ngân hàng ngày càng lớn?
Ngân hàng đã hết hấp dẫn?
Năm qua riêng chi nhánh ngân hàng nơi anh Tùng làm việc đã cắt giảm 1/3 cán bộ vì chính sách cơ cấu lại của ngân hàng. Tới tháng 2/2015, anh Tùng cũng quyết định bỏ vị trí một kiểm soát viên để chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh mới, dù sếp nàn nỉ anh ở lại. Tuy công việc mới nhiều thử thách hơn, nhưng anh vẫn cho rằng lựa chọn của mình được đưa là đúng thời điểm.Khác với anh Tùng là những người tự nguyện rời bỏ công việc để chuyển sang một vị trí mới, trường hợp của chị Minh Hằng lại là “buộc phải nghỉ” khi ngân hàng nơi chị làm việc có quyết định cắt giảm bớt nhân sự sau khi sáp nhập với một nhà băng khác.
Một con số khảo sát vừa được Công ty tư vấn Towers Watson đưa ra gần đây cho biết, trong năm 2014 đã có khoảng 10% nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng đã rời bỏ ngành này để đi tìm công việc mới trong lĩnh vực khác.
“Đúng là ngành ngân hàng đang mất dần sự hấp dẫn và ngân hàng là lĩnh vực đang chứng kiến sự biến động nhân sự lớn nhất”- TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ với Infonet từ thực tế quá trình làm việc trong ngành thời gian qua.
Ngân hàng hiện đang chứng kiến làn sóng biến động lớn sự mạnh mẽ nhất |
Ông Hiếu phân tích, sở dĩ ngành này không còn tính hấp dẫn như trước có lẽ trước tiên bởi thu nhập đã giảm đi rất nhiều so với trước. Bằng chứng rõ ràng là ngoài chuyện giảm lương, thưởng, tại nhiều nhà băng vài năm qua còn giảm, thậm chí là không có thưởng Tết cho nhân viên.
“Tôi biết nhiều trường hợp ngân hàng năm qua cố gắng lắm họ mới thu xếp để trả lương cho nhân viên tháng 12, còn thưởng Tết là điều không tưởng. Thậm chí, có nhà băng còn phải thưởng Tết cho nhân viên bằng vài kg gạo, điều mà trước đây không ai có thể nghĩ tới sẽ xảy ra với khối ngân hàng” – ông bộc bạch.
Lý giải về việc cán bộ ngành ngân hàng thay đổi chỗ làm nhiều hơn các lĩnh vực khác trong năm qua, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Điều hành Công ty tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search cho rằng, sau một thời gian phát triển “nóng” thì đây là giai đoạn “vãn hồi” của ngành ngân hàng.
“Khi lương, thưởng không đủ sức hấp dẫn, không còn cao so với nhiều ngành khác mà áp lực lại lớn, thì tất nhiên họ phải chọn cho mình cho đường khác”- bà Vân Anh bình luận.
Quan trọng hơn, 2-3 năm qua hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trải qua quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, số lượng ngân hàng vì thế cũng giảm đi đáng kể thông qua những thương vụ mua bán – sáp nhập để lớn mạnh hơn. Làn sóng cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra tại các ngân hàng lớn, với nhà băng nhỏ, nhất là ở những ngân hàng đang trong diện buộc phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại… nhân sự cũng đang trong tình cảnh “nhấp nhổm” kẻ ở - người đi.
Có nhà băng trước kia ồ ạt tuyển nhân sự, nhưng nay cũng khá dè dặt. Số lượng nhân sự tăng lên trong cả hệ thống chỉ vài chục, hoặc vài trăm người, thay vì cả nghìn người như vài năm trước. Đơn cử, tại thời điểm 31/12/2014 Vietcombank có số lượng nhân viên là 13.643 người, chỉ tăng 194 người so với cuối năm 2013 là khá khiêm tốn so với quy mô nhà băng lớn như Vietcombank. Và cũng có nhà băng đã ra chính sách giảm nhân sự, như tại Vietinbank. Đầu năm 2015 nhà băng này có 19.059 người, giảm 61 người so với quý 3/2014 và giảm 124 người so với cuối năm 2013. Hay tại các nhà băng gặp “biến cố” thời gian qua như OceanBank, Ngân hàng Xây dựng (VNBC)… thì số nhân sự rời đi, bị sa thải… là rất lớn.
Theo mục tiêu của Ngân hàng nhà nước (NHNN) số lượng các nhà băng sẽ được rút gọn về chỉ còn một nửa so với hiện tại, khoảng 15-17 ngân hàng trong vài năm tới thông qua quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ lại lĩnh vực này.
“Chừng nào số lượng ngân hàng còn giảm đi thì chừng đó còn kéo theo số lượng cán bộ phải rời bỏ ngành ngân hàng cũng sẽ tăng lên” – TS. Hiếu dự đoán.
“Sóng ngầm” chuyển dịch nhân sự
Một nguyên nhân khác được chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhắc tới, đó là áp lực của ngành ngân hàng so với những ngành nghề khác. Có khi cùng một mức thu nhập, cũng phải chịu định mức doanh số kinh doanh, song áp lực từ công việc mà mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng phải chịu lớn hơn nhiều. Tùy từng ngân hàng, nhưng chỉ tiêu doanh số (huy động, tín dụng…) mà mỗi cán bộ tín dụng bị “áp” không dưới 500 triệu đồng/tháng, có nhà băng áp chỉ tiêu cao lên tới 1,5-2 tỷ đồng/tháng...
“Áp lực thì nhiều, lợi ích không còn như trước nên họ bỏ đi tìm ngành khác. Đặc biệt là cán bộ nữ, vì áp lực lớn họ không còn đủ thời gian cho gia đình, nên tìm ngành khác là đương nhiên” – ông Hiếu nêu thực tế.
Cũng theo quan điểm của Giám đốc Điều hành Công ty Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search, áp lực săn đón gắt gao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với những nhân sự giỏi trong ngân hàng cũng là một trong số các nguyên nhân mà họ quyết định rời đi để tìm cơ hội thăng tiến mới cho mình.
“Việc có những nhân sự trong ngành ngân hàng rời khỏi ngành để xác định lại cho mình một nghề nghiệp phù hợp nhất với thực lực của mình có khi lại là tốt cho họ”- bà Vân Anh chia sẻ với Infonet.
Nói về xu hướng nhân sự ngành ngân hàng trong thời gian tới, ông Hiếu bình luận, ngân hàng luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự vì tiêu chí hoạt động ngày càng cao và họ cần những lao động đáp ứng nhu cầu mới, chưa kể nhu cầu tuyển dụng để thay thế số đã ra đi. Thế nhưng, giảm nhân sự vẫn sẽ là khuynh hướng của ngành này khi số lượng ngân hàng phải tái cơ cấu ngày một nhiều hơn. Và hiện tại số lượng nhân sự ngân hàng vẫn còn rất đông so với thực lực của ngành.