Vì sao gan là một bộ phận quan trọng của cơ thể?
Gan được gọi là một nhà máy kỳ diệu của con người. Bởi vì, gan tham gia hầu hết các quá trình tổng hợp, lọc và thải loại chất độc để cho cơ thể ngày một khỏe mạnh. Thế nhưng, chúng ta dễ lãng quên vai trò ích lợi của gan...
Trong cơ thể thì gan nằm bên phải, dưới lồng ngực phải, ngăn cách phổi bởi cơ hoành, còn gọi là hoàng cách mô (diaphragm). Mặc dù chức năng của gan vô cùng phức tạp và phong phú nhưng cấu trúc của gan lại rất đơn giản. Theo cổ điển thì gan được chia thành 2 thùy chính (lobe): thùy phải và thùy trái, dựa theo vị trí của dây chằng liềm. Dây chằng liềm nối liền gan với cơ hoành và thành bụng trước.
Cấu tạo của lá gan
Lời khuyên của thầy thuốc
Biết về sự kỳ diệu và vai trò vô cùng quan trọng của gan, mỗi một chúng ta luôn luôn phải tự bảo vệ lá gan của mình không để cho nó mang bệnh làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta.
Vì vậy, nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan (A, B), ăn uống hợp lý, hợp vệ sinh để tránh mắc bệnh viêm gan A, E, không nên lạm dụng rượu, bia. Khi đã bị viêm gan B, C mãn tính hoặc người lành mang virút viêm gan B cần kiêng rượu, bia tuyệt đối.
Trong cuộc sống thường ngày, mọi người cần tránh các tác nhân va đập mạnh vào vùng gan.
Khi gan hoạt động, các chất dinh dưỡng được hấp thu, các chất thừa, độc hại bị loại bỏ và các chế phẩm do gan tạo ra được đưa vào cơ thể qua các ống dẫn nhỏ này. Nghiên cứu cho thấy các mạng lưới ống dẫn chuyển tải qua gan mỗi phút khoảng 1,4 lít máu, như vậy trong 24 giờ liên tục gan có thể xử lý khoảng 2.000 lít máu. Lượng máu này, sau khi qua gan, chúng lại được trở về tim để từ đây chúng lại được phân bổ đi các cơ quan khác trong cơ thể.
Tùy theo kích thước và trọng lượng của mỗi cá thể, gan có trọng lượng từ 1.100 - 1.800g (ở nữ giới gan nhỏ hơn gan nam giới). Xung quanh gan được bao bọc bởi vỏ bên ngoài chứa đựng nhiều dây thần kinh. Tuy vậy, tế bào gan không có dây thần kinh cảm giác, cho nên khi bị tổn thương hoặc bị bệnh thường không gây ra một triệu chứng nào cả. Trừ trường hợp khi gan bị “sưng to” (gan to), lúc này, màng bọc ngoài gan sẽ bị kéo căng ra, gây ra những cơn đau tức hoặc khó chịu ở vùng gan.
Triệu chứng này gặp ở một số trường hợp của viêm gan cấp tính hoặc khi gan to ra vì bị suy tim bên phải (gây ứ máu ở gan), áp-xe gan (do amip hoặc do vi khuẩn làm viêm và tổn thương tổ chức gan), ung thư gan (hủy hoại tế bào gan). Gan được che chở và bảo vệ bởi lồng ngực cho nên được hạn chế phần nào khi có tác động từ bên ngoài vào gan.
“Nhà máy” kỳ diệu
Với một cấu trúc, hệ mạch phức tạp và trên 500 chức năng khác nhau nên gan được xem là một trong các cơ quan kỳ diệu nhất của loài động vật có vú, trong đó có con người. Bên cạnh đó, gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể cùng một lúc tiếp nhận dòng máu từ 2 nguồn đến khác nhau (30% máu từ tim và 70% từ máu từ tĩnh mạch cửa). Máu đến từ tim mang theo các dưỡng khí và nhiên liệu để cung cấp và nuôi dưỡng các tế bào gan.
Máu đến từ tĩnh mạch cửa, nhận máu từ những cơ quan như: dạ dày, lá lách, tụy tạng, túi mật, ruột (ruột non, ruột già)…Vì vậy, gan là cơ quan đầu tiên, kiểm soát, tiếp nhận các chất dinh dưỡng và độc tố khác nhau được hấp thụ từ hệ thống tiêu hóa cho nên gan đã trở thành “nhà máy lọc máu” chính và quan trọng nhất của cơ thể con người.
Gan còn làm nhiệm vụ chế biến, tích lũy và điều hòa việc cung cấp năng lượng cho cơ thể vào những khi bị thiếu hụt. Gan có khả năng cân bằng hàm lượng các chất đường, đạm, mỡ và cholesterol, trigycerit trong cơ thể. Gan làm nhiệm vụ thanh lọc chất độc và đào thải qua hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa.
Vì vậy, các chất hấp thu từ thức ăn, nước uống và tất cả các nhiên liệu trước tiên sẽ phải đi qua gan để được thanh lọc và chế biến thành những vật liệu khác nhau giúp nuôi dưỡng cơ thể và đào thải các chất có hại ra ngoài. Do gan là cơ quan “đứng mũi chịu sào” cho nên tế bào ung thư từ nhiều cơ quan và bộ phận khác của cơ thể có thể lan sang gan (di căn) một cách dễ dàng.
Tiêm vắc-xin phòng viêm gan (A, B) để bảo vệ gan
Có thể nói một cách tổng quát, gan đóng một vai trò cực kỳ quan trọng của cơ thể để duy trì điều kiện sống của mỗi một cá thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tế bào gan có thể có tới 500 chức năng khác nhau, trong đó có rất nhiều chức năng vô cùng quan trọng, ví dụ, sản xuất và tiết mật cần thiết cho quá trình tiêu hóa mỡ bằng cách giáng hóa hemoglobin tạo nên các sản phẩm chuyển hóa đi vào dịch mật dưới hình thức các sắc tố mật.
Một lượng mật có thể đổ thẳng từ gan vào tá tràng và một phần khác được trữ lại ở túi mật trước khi vào tá tràng.
Gan cũng đóng một số vai trò vô cùng quan trọng trong chuyển hóa carbohydrate như tổng hợp đường glucose từ một số amino acid, lactate hoặc glycerol. Gan đóng vai trò phân giải glycogen để sản phẩm tạo ra là glucose từ glycogen và bản thân gan cũng tạo được glycogen từ glucose.
Gan cũng đóng vai trò giáng hóa insulin và các hoóc-môn khác trong cơ thể. Gan cũng là cơ quan tổng hợp nhiều loại protein và chuyển hóa protein thành các acid amin cần thiết cho cơ thể. Gan đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa lipid, tổng hợp cholessterol, sản xuất triglyceride.
Nghiên cứu cho thấy các yếu tố đông máu như: fibrinogen, thrombin (prothrombin), yếu tố V, yếu tố VII, yếu tố IX, yếu tố X và yếu tố XI cũng như protein C, protein S và antithrombin đều do gan sản xuất và chuyển hóa amonniac thành urê.
Bên cạnh đó, gan còn biết dự trữ một lượng lớn các chất khác nhau như glucose dưới dạng glycogen, vitamin B12, sắt và đồng. Ngoài ra, người ta còn thấy vai trò của gan kể từ lúc còn thai kỳ của một sinh linh. Cụ thể, trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, gan là nơi tạo hồng cầu chính cho thai nhi. Và gan còn tham gia vào quá trình sinh miễn dịch, biểu hiện là hệ thống lưới nội mô của gan chứa rất nhiều tế bào có thẩm quyền miễn dịch có khả năng phát hiện những kháng nguyên lạ trong dòng máu do tĩnh mạch cửa mang đến. Với đa chức năng của gan thì không có một cơ quan nhân tạo nào có thể đảm trách được toàn bộ chức năng vô cùng phức tạp của nó.
Tóm lại, gan đóng nhiều vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sức khỏe của chúng ta. Gan được so sánh như người lính dũng cảm, canh gác những tiền đồn, giao tranh và phân giải tất cả các hóa tố đến từ hệ thống tiêu hóa, cũng như những cặn bã từ những hệ thống khác lưu lạc trong máu.
Tuy nhiên, gan cũng có thể bị tàn phá bởi độc tố, vi khuẩn, virút (virút viêm gan A, B, C, E…), ký sinh trùng (lỵ amip, ký sinh trùng sốt rét), rượu, bia, các chất giải khát có cồn và nhiều bệnh tật khác nhau. May mắn thay, với khả năng tự tái tạo, trong đa số trường hợp viêm gan trường diễn (mãn tính), gan vẫn tiếp tục hoạt động một cách tương đối bình thường trong một thời gian lâu dài.
TS. BS. Bùi Mai Hương/Nguồn SKĐS