Vì sao đánh răng vẫn không hết mùi tỏi?
Đó là bởi vì tỏi băm, tỏi nghiền hay việc chúng ta nhai tỏi sẽ giả phóng ra 4 hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, mà hệ thống khứu giác của con người đặc biệt nhạy cảm với 4 hợp chất này.
Thủ phạm lớn nhất là allyl methyl sulfide, chất này chuyển hóa chậm hơn các chất khác, khiến nó luôn ở trong cơ thể người ăn tỏi một thời gian dài với nồng độ cao. Sau khi ăn tỏi, các hợp chất mạnh được hấp thu vào máu, sau đó sẽ bay hơi trong khi đi qua phổi. Và kết quả là: hơi thở của chúng ta có mùi hôi.
Theo trang Popsci, các bác sỹ đã báo cáo về hiện tượng này lần đầu tiên vào năm 1936. Một bệnh nhân được cho ăn súp tỏi qua đường ống ăn, nhưng hơi thở của bệnh nhân vẫn có mùi tỏi nhiều giờ sau đó, mặc dù thức ăn không hề chạm vào miệng.
"24 giờ sau khi ăn tỏi, bạn vẫn có thể ngửi thấy mùi tỏi", Sheryl Barringer, một giáo sư khoa học thực phẩm của trường Đại học bang Ohio, Mỹ, nói. Mồ hôi của bạn cũng có thể có mùi tỏi vì các chất dễ bay hơi bài tiết qua lỗ chân lông, tương tự như với các chất nặng mùi khác.
Để giảm bớt độ nặng mùi, có thể ăn một quả táo hoặc ăn bạc hà tươi sau khi ăn tỏi. Các hợp chất polyphenolic trong táo và bạc hà đều được chứng minh có khả năng trung hòa các chất lưu huỳnh trong tỏi. Ăn rau mùi tây hoặc uống sữa, cũng sẽ giúp hơi thở bớt mùi tỏi. Hoặc có thể uống trà xanh và nước chanh sau khi ăn tỏi.
Nhưng cũng đừng vì mùi tỏi mà bạn né loại gia vị này vì nó vẫn rất tốt cho sức khỏe. Chỉ cần lưu ý rằng, việc đánh răng sau khi ăn tỏi cũng rất quan trọng, bởi vì nếu có một chút tỏi bám vào răng, bạn sẽ vẫn cảm thấy hơi thở sặc mùi tỏi.
Theo Vnreview