Vì sao cần công nhận bộ súng thần công Thành Điện Hải là bảo vật quốc gia?
Tại hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” do Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng tổ chức sáng 15/12 (Báo điện tử Infonet đã đưa tin), GS.TS Trương Quốc Bình cho hay, bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải đang được Bảo tàng Đà Nẵng quản lý gồm 7 khẩu, chất liệu đúc bằng gang - sắt, còn nguyên hình dáng, được phát hiện trong khuôn viên Thành Điện Hải.
Một trong 7 khẩu súng thuộcbộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải đang được Bảo tàng Đà Nẵng quản lý (Ảnh: HC) |
Bộ sưu tập súng thần công này có hình dáng, kích thước rất giống các loại đúc bằng đồng hay gang - sắt được làm vào thời Nguyễn đã phát hiện và trưng bày ở nhiều nơi trên đất nước ta. Các khẩu súng này đều có cấu tạo 3 phần: nòng súng, thân súng, khối hậu và lỗ điểm hỏa.
Thân súng hình trụ tròn, nòng thon và to dần về phía đuôi (khối hậu), phần giữa hai bên thân súng có 2 quai súng hình trụ để gắn vào bệ súng (hoặc xe đẩy). Gắn liền với khối hậu là chuôi súng đúc hình núm tròn (có thể dùng để cầm, nắm khi điều chỉnh góc bắn).
Tất cả 7 khẩu súng thần công đều được phát hiện dưới lòng đất thuộc di tích Thành Điện Hải trong những năm 1979, 1993, 2005, 2007 và 2008. Hiện bộ sưu tập này đang được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng (nền cũ tòa Thành Điện Hải thời Nguyễn) và trên phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng.
“Giá trị cơ bản nhất của bộ sưu tập này là những hiện vật nguyên gốc, độc bản, được quân dân Đà Nẵng sử dụng để chiến đấu chống lại Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng từ năm 1858 - 1860 được tìm thấy tại khuôn viên Thành Điện Hải!” - GS.TS Trương Quốc Bình nói.
Ông ghi nhận, cùng với việc tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời giải tỏa việc lấn chiếm đất đai của di tích Thành Điện Hải, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao cùng các cơ quan chức năng xúc tiến việc chuẩn bị hồ sơ và các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận bộ sưu tập súng thần công tại Thành Điện Hải là “Bảo vật quốc gia” và di tích Thành Điện Hải là “ Di tích quốc gia đặc biệt”.
Năm 2016 hồ sơ khoa học về “Bộ sưu tập súng thần công tại Thành Điện Hải” đã được hoàn tất và gửi Bộ VH-TT-DL để thực hiện các thủ tục theo luật định. Tháng 9/2017, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Văn hóa - Thể thao mời đoàn Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia vào khảo sát tại chỗ Di tích Thành Điện Hải để chuẩn bị ý kiến tư vấn với Thủ tướng Chính phủ về việc xếp Thành Điện Hải vào danh sách các di tích quốc gia đặc biệt.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, sau khi tiếp nhận kiến nghị của TP Đà Nẵng về việc xếp hạng bộ sưu tập súng thần công tại Thành Điện Hải là Bảo vật quốc gia, Bộ VH-TT-DL đã chuyển hồ sơ xin ý kiến Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trước khi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Tuy nhiên, Hội đồng vẫn đang cân nhắc về nội dung giá trị, đặc biệt là tính xác thực, tính tiêu biểu của bộ sưu tập này.
Với tư cách là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, GS.TS Trương Quốc Bình kiến nghị Hội đồng sớm có ý kiến đồng thuận tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc xếp “Bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải” là Bảo vật quốc gia, do có nhiều giá trị đặc sắc.
“Bộ sưu tập 7 khẩu súng thần công Thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng là những hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện tại Di tích Thành Điện Hải. Đây là những khẩu súng thần công được triều đình nhà Nguyễn đúc và trang bị cho hệ thống phòng thủ ven biển ở Đà Nẵng, trong đó có Thành Điện Hải; đồng thời trực tiếp tham gia cùng với quân và dân Đà Nẵng chiến đấu chống lại Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng từ năm 1858 - 1860.
Bộ sưu tập hiện vật súng thần công Thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng có giá trị đặc biệt vì liên quan đến sự kiện lịch sử của đất nước, gắn liền với di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Điện Hải - đây là địa điểm chứng kiến cuộc đụng độ lịch sử đầu tiên giữa Liên quân Pháp - Tây Ban Nha với quân và dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và Nguyễn Tri Phương.
Bộ sưu tập súng Thần công Thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng là những hiện vật mang giá trị lịch sử tiêu biểu gắn liền với di tích Thành Điện Hải - một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam vào thế kỷ XIX” - GS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh.