Vì sao 29, 30 điểm vẫn trượt đại học?
Trường có mức điểm chuẩn cao nhất cho tới thời điểm hiện tại là Học viện An ninh nhân dân.
Theo đó, điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Công an nhân dân với mức 30,5 điểm (đã cộng điểm ưu tiên) dành cho thí sinh nữ ở khối D01 (ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ).
Dù điểm chuẩn rất cao nhưng ở nhiều ngành, thí sinh thậm chí còn phải đáp ứng đủ tiêu chí phụ mới đủ điểm đỗ vào trường.
Điểm chuẩn khối A dành cho thí sinh nữ khu vực phía Bắc của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Tuy nhiên, trong số bốn thí sinh cùng mức 30,25 điểm, trường chỉ lấy ba thí sinh có tổng điểm ba môn chưa làm tròn cao nhất, từ 28,35 điểm. Một thí sinh còn lại vẫn không đỗ dù tổng điểm rất cao.
Đối với thí sinh nam khu vực phía Bắc, điểm chuẩn của Đại học Phòng cháy chữa cháy là 28,25 điểm. Tuy nhiên, trong số 16 thí sinh cùng mức 28,25 điểm, trường chỉ lấy 6 thí sinh gồm 4 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn đạt 27,65 điểm; 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn 27,35 điểm và môn Toán đạt 9,6 điểm.
Tại Học viện An ninh, điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ ngành Nghiệp vụ An ninh là 29 điểm kèm tiêu chí phụ. Theo đó, trong số hai thí sinh cùng mức 29 điểm chỉ lấy một thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn đạt 25,5 và điểm tiếng Anh đạt 8,2.
Khối các trường y dược cũng có mức điểm tăng cao so với các năm trước. Ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có mức điểm trúng tuyển lên tới 29,25. Đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của Trường ĐH Y Hà Nội.
Theo nhà trường, mức điểm của thí sinh cao khiến các trường đều phải tính đến tiêu chí phụ để "lọc" bớt thí sinh, đảm bảo tuyển đúng chỉ tiêu đã đăng ký. Trường ĐH Y Hà Nội năm ngoái chỉ sử dụng 1 tiêu chí phụ duy nhất là điểm thi môn Sinh học. Tuy nhiên, năm nay trường sử dụng tới 4 tiêu chí phụ khác nhau.
Cụ thể, thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng điểm chuẩn thì phải đạt tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên 1 đến ưu tiên 4. Ưu tiên 1: Điểm xét tuyển chưa làm tròn; Ưu tiên 2: Điểm toán; Ưu tiên 3: Điểm Sinh; Ưu tiên 4: Thứ tự nguyện vọng (TTNV).
Điểm xét tuyển chưa làm tròn = Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, không làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích (nếu có).
Chính vì vậy mà có những thí sinh không khỏi xót xa khi đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội như thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ.
Thí sinh này bức xúc: "Em đạt 29,15 điểm, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?"
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy lợi cho biết, năm nay Bộ GDĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất đã tạo điều kiện cho các thí sinh điểm cao tập trung vào các trường top trên. Chính vì vậy, điểm của những trường này năm nay rất cao.
Lãnh đạo một số trường ĐH đều có chung nhận định, đúng ra Bộ nên quy định có phân biệt nguyện vọng trong xét tuyển của các trường, có mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nguyện vọng, đồng thời công bố chuẩn cho điểm chưa cộng ưu tiên, với thí sinh được ưu tiên thì lấy thấp hơn theo mức chênh lệch thì sẽ không có cảnh thí sinh 29, 30 điểm vẫn trượt như năm nay.
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, phần lớn điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo của các trường ĐH năm nay đều nằm trong khoảng từ 18-26 điểm, chỉ một số ngành thuộc các trường thuộc khối công an, quân đội và ngành y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm trúng tuyển từ 29 điểm trở lên.
Các trường khối công an, quân đội thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước thì năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều tăng cao hơn năm trước.
Ngoài ra, khá nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức, tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển…
Tại khu vực miền Nam, nhiều trường cũng có điểm chuẩn tăng mạnh như ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của ĐH Nguyễn Tất Thành tăng 6 điểm so với năm ngoái.
Trường đại học Công nghệ TP.HCM cũng có điểm trúng tuyển tăng cao khi ngành Marketing tăng 5,5 điểm so với năm 2016 từ mức 15,5 lên 21 điểm. Tất cả các ngành còn lại đều có mức điểm chuẩn cao hơn ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định (điểm sàn) từ 0,5 – 3 điểm, và hầu hết đều tăng so với điểm chuẩn năm 2016.
Các trường khác như Đại học Mở TP.HCM, Tài chính Marketing, Nông lâm TP.HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế- Luật, Giao thông vận tải… đều có mức tăng từ 1- 3 điểm. Mức điểm đa phần tập trung từ 21- 24 điểm.