Vì rượu, sớm lìa đời, xa vợ dại con thơ
Mỗi lần nhớ đến chú, tôi chỉ biết thở dài: giá như…
Chú tôi là một người lính, chiến đấu ở chiến trường miền Trung thời bom đạn. Ra quân, chú tôi lấy vợ. Thời đấy, ở làng quê miền Trung hầu như nhà nào cũng nghèo, nhưng nhà chú tôi thì thuộc diện đặc biệt nghèo. Đến nay vẫn còn nghèo nhất xã. Nhiều người còn nói vui, nhà chú tôi nghèo bền vững.
Anh em đông nhưng ai cũng khó khăn nên hầu như chả ai giúp gì được cho nhau, chỉ thỉnh thoảng có miếng gì ngon hay lúc giáp hạt không còn lúa gạo thì san sẻ cho nhau.
Khi thím tôi sinh con, lần một rồi lần hai, cái nghèo cứ bám riết, quẩn quanh, chú tôi không thoát ra được. Tôi còn nhớ ngày đó, thím tôi sinh em bé, có miếng ăn là tốt lắm rồi, không nghĩ đến chuyện ăn no, ăn ngon. Chú tôi nói một câu mà tôi xót xa đến tận bây giờ: “Ăn để cầm hơi”. Thậm chí có lần mẹ tôi nấu món ngon mời chú ăn mà chú nhìn nhưng không động đũa, hỏi sao không ăn thì chú trả lời: “Ăn ngon, mai mốt quen miệng lấy đâu mà ăn”.
Sau đấy con thứ hai của chú mất đi lúc 3 tuổi vì bệnh tim bẩm sinh, nhà nghèo không có tiền chạy chữa, chú tôi đã đau đớn, bất lực, gục ngã. Từ đó chú tôi đã bỏ bê việc đồng áng, sa vào rượu để tìm quên. Dần dần chú tôi bị nghiện rượu lúc nào không hay. Chú nói đùa như thật, rượu cũng là gạo nên đã ăn thì không uống, mà đã uống thì không ăn, nên chú tôi chọn rượu.
Rượu đã tàn phá thân xác và tinh thần của chú tôi khủng khiếp. Khi rượu vào là chú tôi không tỉnh táo, đánh vợ đánh con, ai can cũng đánh. Thậm chí một thời gian rượu còn làm cho chú tôi bị bệnh tâm thần. Sau khi uống rượu chú tôi vác chai rượu lên vai như vác cây súng, miệng hô “một hai một hai, tiến lên”, chân thì bước rồi chạy, chả ai đuổi kịp để giữ lại.
Bố tôi là anh cả, khi chú tỉnh táo ông răn đe, khuyên nhủ, chú tôi ừ hữ như là nghe lời, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nói lắm cũng chán, với lại ai cũng phải bươn chải nên thời gian đâu mà tỉ tê mãi.
Một thời gian sau chú tôi bị đau bụng, nằm vật vã, quằn quại, bảo đi khám nhưng chú tôi nhất quyết không đi. Đến một ngày, hàng xóm của chú nhắn tin cho bố tôi báo chú đang nằm viện. Khi bố tôi lên tới nơi thì chỉ còn biết ngậm ngùi đưa chú tôi trở về, chú bị chảy máu dạ dày, phẫu thuật nhưng không được, phải may vết mổ gấp, cho thở ô xy đưa về.
Chú tôi mất sớm khi chưa đầy 50 tuổi, để lại vợ dại con thơ. Mái nhà nghèo nay vắng đi người đàn ông càng liêu xiêu hơn.
Giá như ngày đó chú tôi không nghèo, giá như ngày đó chú tôi không uống rượu, giá như ngày đó … Thời gian đâu thể quay ngược, mà nếu có quay ngược thì cũng chả làm được gì. Bây giờ mỗi lần nhớ chú, chúng tôi chỉ biết chép miệng mỗi người một số phận.
Thật lạ, tôi vừa đọc được thông tin: không chỉ những hộ giàu và có học vấn cao, nhiều gia đình nghèo khổ vẫn mạnh tay chi tiền cho rượu bia. Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, trong đó 20% tử vong do tai nạn giao thông, 30% do ung thư thực quản, ung thư gan, 50% tử vong do xơ gan (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam vừa công bố). Rõ ràng, chìm trong bia rượu, là nguồn cơn của nhiều bi kịch, nhưng nhiều người vẫn không thể thoát được.
Hình ảnh của chú ngày trước ở làng quê cứ ám ảnh tôi mãi. Sau này lớn lên đi làm, mỗi lần tiệc tùng hay tiếp khách tôi thấy đồng nghiệp, bạn bè tôi lắc lư, ngất ngây trong men rượu say tôi lại trăn trở, tại sao phải say, say để làm cái gì, say để được cái gì?... Có thể là do phong cách sống, có thể do hoàn cảnh, có thể do tâm trạng, mỗi người một suy nghĩ, nhưng mong rằng mọi người nên hạn chế, biết cách tự chủ khi uống rượu bia, bản lĩnh hơn để rượu bia không cướp đi mạng sống của mình, để dưới mái gia đình các con không phải sớm chịu cảnh mồ côi…