Vì môi trường, Đà Nẵng từ chối dự án FDI 200 triệu USD
Theo ông Lâm Quang Minh, để bảo đảm môi trường du lịch và phát triển bền vững, Đà Nẵng chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng Lâm Quang Minh phát biểu tại hội nghị đánh giá công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài vào TP Đà Nẵng ngày 20/3 (Ảnh: HC) |
Trong thời gian qua, để đón đầu các cơ hội mở ra từ việc Việt Nam tham gia ký kết hiệp định TPP, một số nhà đầu tư đã đến Đà Nẵng khảo sát và có dự định đầu tư vào các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dệt nhuộm. Nhưng do các dự án này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên TP đã không giữ chân các nhà đầu tư và giới thiệu đến các địa phương khác phù hợp hơn.
“Cụ thể trong quý 1/2014, một tập đoàn dệt may của Hồng Kông đã đến Đà Nẵng khảo sát để xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc có tổng vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD. Do dự án có công đoạn nhuộn có khả năng gây ô nhiễm môi trường nên TP không xúc tiến dự án này. Quý 2/2014, có một công ty Hàn Quốc cần trên 30ha để làm khu liên hợp dệt nhuộm. BQL khu công nghiệp đã phải giới thiệu vào tỉnh lân cận” – ông Lâm Quang Minh nói.
Theo ông Lâm Quang Minh, điều này cũng phần nào làm giảm cơ hội thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng thời gian qua. Trong khi đó, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao rất khó, rất kén chọn nhà đầu tư do phải đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao theo quy định. Việc thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao đòi hỏi phải có điều kiện về cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển phù hợp và cần thời gian dài.
Được biết, đến tháng 3/2015, tại Đà Nẵng có 322 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 3,3 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 2,055 tỉ USD. Lĩnh vực bất động sản - du lịch chiếm tỉ lệ lớn nhất về vốn đầu tư (53,69%), tiếp đến là công nghiệp chế biến – chế tạo (32,98%), GD-ĐT (5,08%). Hiện có 37 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Đà Nẵng.
Riêng trong năm 2014 Đà Nẵng có 30 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký trên 126 triệu USD và 16 dự án tăng vốn, với số vốn đăng ký tăng thêm trên 30 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt gần 157 triệu USD, giảm gần một nửa so với năm 2013 (đạt 53,15% so với năm 2013).
Mặc dù vậy, theo ông Lâm Quang Minh, trong thời gian tới Đà Nẵng tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững. Không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững và hội nhập của nền kinh tế TP.
Trong đó ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao để góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành TP môi trường, có nền công nghiệp phát triển;
TP sẽ tập trung tiếp cận các nhà đầu tư có tên tuổi, năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu; thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn thông qua các Hiệp hội đầu tư nước ngoài và Câu lạc bộ FDI, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của TP, qua đó tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, hiện TP đang tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN và khu Công nghệ cao cả về phần cứng và phần mềm, bao gồm hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước... để đáp ứng yêu cầu về hạ tầng của các nhà đầu tư. Khi tiếp cận được các nhà đầu tư tiềm năng có tầm cỡ, TP sẽ báo cáo, đề xuất với Chính phủ cơ chế ưu đãi đặc biệt nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư vào Đà Nẵng.