Vera Wang thu phí thử đồ để 'dằn mặt' hàng nhái Trung Quốc
Cửa hiệu Vera Wang đặt tại Thượng Hại, là cửa hàng đầu tiên của hãng này tại Trung Quốc. |
Yêu cầu các "thượng đế" phải bỏ một khoản tiền để thử đồ là chuyện xưa nay hiếm, ngay cả trong giới thời trang cao cấp, với những sản phẩm vốn chỉ dành cho một số đối tượng khách hàng giàu có nhất định. Với những quốc gia phát triển, 500 USD đã là con số không nhỏ. Còn ở Trung Quốc, nơi chỉ mới mở cửa cho thế giới của hãng thời trang cao cấp, 500 USD (tức 3.000 tệ), là một khoản lớn.
Khách hàng đến với Vera Wang salon đặt tại Thượng Hải dự định phải trả một khoản tiền là 3000 tệ để có thể thử đồ trong vòng 90 phút. Khách hàng mua sản phẩm sẽ được khấu trừ vào tổng giá hóa đơn. Nếu không, số tiền này sẽ “một đi không trở lại”.
Từ đâu có phí thử đồ?
Áo cưới thương hiệu Vera Wang là khát khao của mọi cô dâu trên thế giới. |
Vì sao Vera Wang, hãng áo cưới vốn nổi tiếng chiều lòng khách hàng lại đưa ra chính sách khắt khe như vậy tại thị trường Trung Quốc? Không chỉ là một nhà thiết kế, Vera còn là một doanh nhân thông minh và nhạy bén. Đưa ra nước cờ này, hẳn người phụ nữ quyền lực của giới thời trang phải có lý do của riêng mình.
Vera Wang đưa ra phí thử đồ lên tới 3.000 tệ. |
Trước tiên, người phát ngôn của công ty này khẳng định, phí 3.000 tệ cũng là cách để Vera Wang ngăn ngừa những cô thợ may với cửa hàng nhỏ lẻ, hay các doanh nghiệp may mặc với những xưởng sản xuất lớn, đến cửa hiệu của bà để “học tập” cách thiết kế. Trung Quốc là thiên đường của hàng nhái, và chỉ cần một lần nhìn hàng thật, những doanh nghiệp của đất nước này có thể nhanh chóng “copy và paste” để cho ra những sản phẩm tương tự. Người phát ngôn của Vera Wang cho biết, đây là biện pháp đơn giản để ngăn ngừa tình trạng làm nhái hàng, vốn đã trở thành một hoạt động hợp pháp ở Trung Quốc.
Những sản phẩm nhái Vera Wang được rao bán trên khắp các trang mạng với giá chỉ khoảng 200 USD. |
"Chặn trước" khách hàng ít tiền
Có thể nói, Vera đã phân tích khá kỹ thị trường Trung Quốc, khi chọn Thượng Hải – một thành phố đông đúc, phát triển và và là nơi định cư của tầng lớp giàu có tại đất nước này. Thượng Hải không thiếu những người có thể mạnh tay chi tiền cho những chiếc váy cưới thương hiệu Vera Wang với mức giá từ khoảng 10.000 USD trở lên, số tiền tương đường với hàng tháng thu nhập của đại đa số người dân Trung Quốc. Cửa hiệu váy cưới của Vera Wang được đặt ở quận Hoàng Phố, khu phố Đông – nơi phồn hoa sầm uất nhất Thượng Hải, trưng bày và bán những chiếc áo cưới có giá 30 nghìn tệ đến 300 nghìn tệ.
Tuy nhiên, Thượng Hải cũng là thành phố nhập cư với thành phân dân cư chủ yếu là những người dân lao động và tầng lớp trung lưu – những người ôm ấp giấc mơ làm giàu. Trong đó, có nhiều cô dâu và cả những cô gái chưa có ý định làm đám cưới, sẵn sàng bỏ thời gian đến cửa hiệu của Vera Wang để thử đồ mà hoàn toàn không có ý định mua đồ. Đơn giản vì với họ, được khoác lên mình chiếc váy của Vera Wang, dù chỉ là một lần, dù chỉ là thử đồ, cũng đủ thỏa mãn sự khát khao bấy lâu.
Chi phí về thời gian, tiền bạc và khấu hao cho những lần thử đồ như thế này vô cùng tốn kém. Ước chừng điều đó, Vera Wang đưa ra con số 3.000 tệ như một cách để phân loại khách hàng, định ra ranh giới rõ ràng cho những người đủ và không đủ điều kiện kinh tế để mua hàng.
Phí thử đồ - lợi bất cập hại
Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, Vera Wang tuyên bố gỡ bỏ chính sách phí thử đồ này ở cửa hàng tại Thượng Hải. Rõ ràng, phí thử đồ của Vera Wang đã không phát huy được hiệu quả như mong muốn, mà còn tổn hại không nhỏ đến tiếng tăm của thương hiệu này.
Phí thử đồ gây nên làn sóng phản đối Vera Wang tại Trung Quốc. |
Phí 3.000 tệ để ngăn ngừa việc đến xem hàng và nhái lại dường như hoàn toàn không có ý nghĩa lại thiên đường hàng nhái này. Với những người đã quen với việc làm lại các sản phẩm hàng hiệu, không cần phải nhìn và sờ tận tay sản phẩm, họ mới có thể làm được những mẫu mã y chang.
Li, một chủ cửa hàng mang tên “Vera Wang style”, trên trang web Taobao – website bán hàng trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc cho biết, ông có thể làm ra những mẫu giống 90% các thiết kế của Vera Wang mà chỉ cần tham khảo qua những bức hình trên mạng, và sản phẩm của ông được bán với giá khoảng 100 USD (hơn 1.000 tệ). Xưởng sản xuất của Li đặt tại Tô Châu, và ông có thể sản xuất ra các loại ren, lụa, đăng ten… có vẻ ngoài giống như của Vera Wang. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, các sản phẩm sẽ có độ tinh tế khác nhau với giá cả khác nhau. “Dĩ nhiên, những họa tiết làm bằng tay quá nhỏ khó có thể bắt chước. Dù vậy, các cô dâu vẫn rất hài lòng với những chiếc váy fake. Còn nếu muốn giống 100% thì hãy tìm đến thương hiệu thật, và lúc đó, bạn phải chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều”.
Ở Trung Quốc, tồn tại hàng trăm đến hàng nghìn những xưởng nhái Vera Wang như thế. Họ cũng chẳng cần phải bỏ ra 3.000 tệ đến tận Thượng Hải để xem mẫu. Hơn tất cả, ngăn chặn từ một phía là không đủ. Có cầu, ắt có cung, và ở Trung Quốc, nhiều cô dâu sẵn sàng mặc một chiếc váy nhái Vera Wang.
Phí 3.000 tệ không phát huy tác dụng trong việc ngăn ngừa nạn làm hàng nhái. |
Vô dụng với nạn hàng nhái, phí thử đồ có vẻ như giúp Vera Wang phân loại được đối tượng khách hàng, tiết kiệm được khoản chi phí dành cho những khách hàng chỉ xem, thử và không có ý định mua. Nhưng ngược lại, điều này có những “lợi bất cập hại”. Theo báo giới Trung Quốc, phí thử đồ của Vera Wang đã đánh vào tâm lý tự tôn của người dân nơi đây. Nhiều người thẳng thắn cho biết: “Phải chăng Vera Wang cho rằng chúng tôi không mua nổi sản phẩm của bà? Nếu đã như vậy, Vera Wang không nên đặt cửa hàng ở nơi này”. Nhiều người được phỏng vấn trả lời, không phải họ không thể trả phí thử đồ, nhưng không muốn bước vào cửa hàng mà ở đó thể hiện rõ sự phân biệt đối xử.
Với những khách hàng tiềm năng sẵn sàng gật đầu với phí thử đồ, thì việc vội vàng thử nhiều kiểu nhất có thể trong vòng 90 phút và không được chụp ảnh để tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân… dường như đã phần nào làm giảm hứng thú và niềm vui trong việc đi lựa chọn chiếc váy quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. “Tất cả trở nên vội vàng và nháo nhào. Tôi và bạn trai không có đủ thời gian để ngắm nhìn rõ từng chiếc váy mà tôi được thử. Muốn chụp lại một kiểu để về cho gia đình xem cũng không được. Sau cùng, tôi nghĩ, một chiếc váy Vera Wang có xứng đáng để tôi phải khổ sở như vậy không?” – một khách hàng chia sẻ trên Sina.
“Từ chối một khách hàng bước vào cửa hàng của bạn là một sai lầm lớn trên thị trường, dù đó có là thị trường cao cấp đến mấy” – một chuyên gia thời trang tại Trung Quốc nhận định. Về ngắn hạn, chính sách thu phí thử đồ có thể giúp Vera Wang tiết kiệm được một khoản chi phí, nhưng về lâu dài, nó sẽ chặn đứng con đường phát triển của hãng tại một đất nước tiềm năng như Trung Quốc.
Có lẽ, ý thức được điều này, vào những ngày cuối tháng 3, Vera Wang đã chính thức dỡ bỏ chính sách này. Nhưng phản ứng của các cô dâu Trung Quốc cũng không quá lạc quan về điều này. Những người có khả năng bỏ hàng chục nghìn đô la Mỹ ra mua, dĩ nhiên không ngại vài trăm đô để thử đồ. Còn những cô dâu khác, họ dường như hài lòng với những chiếc váy hàng nhái với giá cả phải chăng, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu tại Trung Quốc. Với họ, phí thử đồ có tồn tại hay không, cũng không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn váy cưới của mình.
Q.N