Về thăm "làng sinh đôi" Hưng Hiệp
Về thăm "làng sinh đôi" Hưng Hiệp
Cả làng đều sinh đôi
Nơi được mệnh danh là “làng sinh đôi” ấy chính là ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. “Con ngựa sắt” bon bon đưa chúng tôi lạc lối tới nhà chị Hồ Thị Thanh (địa chỉ 111/2 ấp Hưng Hiệp), người đầu tiên “phá lạ”… sinh ba. Buổi trưa trong ngôi nhà nhỏ nóng hầm hập, mẹ con chị Thanh đang bận bịu dỗ dành đứa cháu ngoại đang khóc vì vết chích ngừa.
Đường vào ấp Hưng Hiệp
Chị Hồ Thị Thanh kể rằng, lúc đầu chị sinh một cô con gái lớn, sinh cũng bình thường như ai. Thế nhưng đến đợt mang thai thứ hai, chị thấy khác lần đầu, thai nhi đạp nhiều, “máy” nhiều. Đến tháng thứ 6, chị đi khám thai, bác sĩ nói chị sẽ sinh ba. Chị vừa mừng vừa sợ. Và rồi 3 đứa bé trai lần lượt ra đời, làm cho ngôi nhà nghèo, nhỏ bé đơn sơ của chị lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Ba đứa ấy tên là Trần Phúc Tam, Trần Lộc Thiên và Trần Thọ Phú. Ba tháng sau cậu út Trần Thọ Phú bị sốt viêm màng não, gia đình không phát hiện ra, tới lúc đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) thì cậu qua đời. Hai cậu trai Tam, Thiên giờ tròn 17 tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh nhưng mắc bệnh “lười học” nên học đến lớp 10 thì nghỉ.
Chị Thanh cho biết: “Hai đứa nó giờ thì đứa thích học cắt tóc, đứa thích học sửa xe. Nhưng mình nghèo quá, chỉ làm rẫy thuê, hổng có đất đai gì cả nên chưa có điều kiện cho tụi nó đi học. Thôi, để qua Tết tính sau. Hai đứa nó người ngoài nhìn thấy giống nhau chứ mình trong nhà, thấy khác quắc. Được cái, tụi nó cũng ngoan! Ở đây sinh đôi nhiều lắm. Người già 50 – 60 tuổi vẫn sinh đôi như thường. Hiện tại, các cặp sinh đôi nhỏ thì nhiều, cỡ 5 – 6 tuổi, rồi lớn hơn chút nữa là 10 – 20 tuổi. Nhà có con sinh đôi thường làm ăn cũng trung bình, chủ yếu làm rẫy, đủ ăn thôi. Trước năm 1975, cũng đã có mấy cặp sinh đôi ở trong làng, giờ họ đã hơn 70 tuổi rồi. Trong khu vực rẫy ấp Hưng Hiệp này vẫn còn hai chị em sinh đôi khoảng 73 tuổi, ở cách đường lộ này khoảng 6 km. Không tìm được họ đâu, vì tối ngày họ cứ ở trong rẫy cà phê, tiêu điều mà!”.
Chị Hồ Thị Thanh và cháu ngoại
Theo chị Thanh, chuyện sinh đôi trong làng có lẽ do nguồn nước. Các giếng nước trong làng được đào từ năm 1975 tới giờ. Cũng có lúc nước giếng cạn, như cách đây 4 năm, trời khô hạn quá nên cả làng mất hết nước. Thế là hì hục khoan giếng, lại có nước tiếp. Cách đây 2 năm, làng đã có nước máy, thế nhưng người làng lại vẫn thích dùng nước giếng vì nước mát, trong sạch hơn. Bởi vùng này là vùng đất đỏ nên các giếng được đào rất sâu. Như nhà chị Thanh thì gần 30m. Chị Thanh nói: “Hiện giếng nước nhà chị vẫn còn, là nguồn nước sinh hoạt chính của gia đình. Nhưng gần 10 năm qua, mẹ chị đã cho rào lại thành giếng vì sợ chuột, sợ con nít ra sau nhà chơi té xuống. Hồi xưa có trục quay, thả thùng xuống. Giờ có điện nên dùng mô tơ. Hồi xưa nghĩ không có bị lụt trong vùng nên đa số bà con làm thành giếng rất thấp. mấy năm trước giếng cạn, có nước lại, nước vẫn không có gì khác, vẫn trong, vẫn ngọt như trước!”.
Ngỏ lời muốn tham quan giếng và muốn uống nước giếng, chị Thanh vui vẻ bảo con gái dẫn chúng tôi ra sau nhà. Đúng là thành giếng thấp lè tè sát mặt đất nên được rào lại cẩn thận. Ly nước được lấy từ giếng lên, tôi uống vào nghe mát rượi, ngọt và trong. Cứ y như thuở bé nước giếng mà mỗi lần tôi về quê nội múc nước giếng trong lu bằng gáo dừa, thơm ngọt, mát lạnh, rất “đã” cơn khát!
Cái giếng nhà chị Thanh
Gần nhà chị Thanh, có cặp vợ chồng là Bùi Đức Phước và Nguyễn Thị Hồng sinh đôi 2 cậu bé giống nhau như hai giọt nước vào năm 1996. Chị Hồng kể rằng: “Năm 1996, chị nằm mơ thấy mình mang thai 2 đứa bé trai. Mấy đêm sau đó cũng mơ thấy y như vậy. Rồi chị có thai và sinh ra 2 thằng cu tí. Chúng nó đều lớn khôn và khỏe mạnh!”. Rồi cũng năm 1996, vợ chồng Hoàng Quỳnh và chị Nguyễn Thị Kim Liên cũng mừng vui đón chào sự ra đời của hai nàng công chúa bé nhỏ, xinh xắn.
Dạo một vòng quanh ấp, chúng tôi thấy có những ngôi nhà rất khang trang, mà theo lời của những người lớn tuổi trong vùng, đó là nhà của một số cặp sinh đôi nhờ đi làm công nhân cho các khu công nghiệp lớn ở Đồng Nai mới bề thế như thế, chứ dân làng chủ yếu chỉ làm rẫy thôi, làm gì khá giả được. Các cụ lớn tuổi ở đây cũng cho rằng, hiện tượng sinh đôi trong làng là do mạch nước giếng của làng khá đặc biệt, có vị ngọt, mát, nhất là nước giếng ở nhà ông Nguyễn Thường (còn gọi Bảy Thường). Ai dùng nước ở nhà ông cũng đều sinh đôi. Vì thế mà thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều người hiếm muộn ở các nơi về xin nước uống với hi vọng sẽ sinh con.
Ông Bảy Thường (78 tuổi) cho biết: “Giếng nhà tôi được đào từ năm 1973, sâu gần 15m. Nước rất trong, sạch, đặc biệt có vị ngọt nên nhiều gia đình ở lân cận đến xin về dùng. Còn chuyện “giếng thần” hay không, tôi không tin đâu, vì mỗi nhà đều có giếng riêng!”.
Khoa học chưa chứng minh
Đem lời đồn “giếng thần”, chúng tôi tới nhà ông trưởng ấp Hưng Hiệp hỏi. Ông Trần Đình Danh – Trưởng ấp nói: “Giếng thần gì đâu có. Lời đồn thổi bậy bạ thôi. Nhà trong ấp, nhà nào cũng có giếng cả. Nước trong làng mát trong, ngọt lắm. Nhà tôi cũng có 2 đứa sinh đôi nè. Tụi nó tên Trần Duy Khang và Trần Trang Khang, đã 13 tuổi rồi. Tụi nó đang học lớp 9 trường THCS Trần Hưng Đạo – xã Hưng Lộc. Bọn chúng cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác”.
Một cặp sinh đôi ở ấp Hưng Hiệp
Theo ông Danh thì ở ấp Hưng Hiệp có gần 50 cặp sinh đôi. Ấp có hơn 500 hộ, với hơn 2.000 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông. Hiện tượng sinh đôi bất thường chỉ rộ lên từ năm 1995 – 2000. Từ trước năm 1975, ở vùng này cũng đã có một số cặp sinh đôi, nhưng hồi trước người ta chưa để ý. Cho tới năm 2000, người dân địa phương tên La Đồng Hội có kể chuyện cho anh bạn thân là nhà báo Sơn Trà (Báo Đồng Nai). Anh này thấy lạ, thế là viết một bài về "làng sinh đôi". Cứ thế các nhà báo hay tin lại tìm về Hưng Hiệp. Và thế là từ đó tên “làng sinh đôi” ra đời và được nhiều người biết đến.
Xung quanh ấp Hưng Hiệp là đất đỏ bazan, không có suối, nước từ trong mạch ngầm chảy ra, nhưng không hiểu sao lại có nhiều gia đình sinh đôi. Bây giờ rất nhiều cặp gia đình hiếm muộn ở TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Tây… cứ tìm đến Hưng Hiệp xin nước của bà con trong làng về uống để cầu mong sinh được con. Ngay cả nhà ông Danh cũng được mấy cặp tìm tới.
Ông Trần Đình Danh, Trưởng ấp Hưng Hiệp
Ông Danh cho biết: “Theo mình nghĩ có lẽ do nguồn nước nên mới có hiện tượng sinh đôi. Chứ mình không tin các giếng nước có điều kì bí gì đâu. Khi người ta tới nhà xin nước, mình cũng nói thẳng với họ. Hiếm muộn nghe nói tới cầu may, mình cho nước để người ta toại nguyện. Một số thành phần người ta nghĩ khác, cho là giếng thần. Không có giếng thần nào cả, mỗi nhà có một cái giếng riêng. Giếng đào sâu 13 – 14 m. Cạn, vét lại, có nước. Nhà mình có 3 cặp hiếm muộn tới xin nước. Họ mang can 20 lít tới. Hai cặp ở TP.HCM, một cặp ở Biên Hòa. Hết nước lại tới xin tiếp. Hiện 3 cặp này gọi bảo họ đã có con rồi. Mình thực sự mong rằng dư luận bên ngoài không nên tạo tin nóng bỏng kì lạ về “làng sinh đôi” này để tránh xạo trộn lòng dân!”.
Ông Lê Công Sự, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: “Toàn xã Hưng Lộc có gần 10.000 dân và có hơn 70 cặp sinh đôi, tập trung nhiều nhất là ở ấp Hưng Hiệp. Hiện tượng sinh đôi ở ấp này tới nay vẫn còn đang được nghiên cứu. Khoảng 8 năm trước, có đoàn bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) về lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng cũng không có kết luận gì nên tất cả chỉ là sự phỏng đoán mơ hồ, khoa học chưa chứng minh vì sao cả làng ấy sinh đôi. Điều đáng nói là bọn trẻ sinh đôi ở đây đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi và biết yêu thương nhau. Đó là một điều rất đáng mừng và tự hào!”.
Hải âu