Về Sa Huỳnh "săn" tiểu huỳnh đế và cúm núm
Đến với vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ), ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh “cát vàng biển xanh” và các loại hải sản, du khách còn có thể theo chân người dân nơi đây cùng trải nghiệm với thú vui đi “săn" rù rì và cúm núm- những loại đặc sản ở vùng biển này.
Có hình dáng khá giống với cua huỳnh đế nên người dân vùng biển Sa Huỳnh ưu ái gọi những con rù rì biển là những chú tiểu huỳnh đế. |
Rù rì có khá nhiều ở vùng biển Sa Huỳnh. Chúng theo những con sóng phiêu lãng tràn lên bờ cát. Rồi khi sóng biển rút thật nhanh, rù rì bị mắc cạn, vội vã đùn ngay xuống lớp cát mềm. |
Đề bắt được rù rì ẩn mình trong lớp cát, người đi "săn" phải tinh mắt phát hiện ra những nơi rù rì vừa ẩn trốn và chỉ cần dùng xẻng hay dùng tay không đào là có thể tóm gọn chúng. |
Chiếc xẻng hất tung đám cát lên kèm theo một chú rù rì lẫn trong cát |
Với trẻ con, mỗi buổi chiều vui đùa thỏa thích trên bãi biển lộng gió, bọn trẻ còn thích thú với thú vui theo những con sóng vào bờ để bắt rù rì. Chỉ "tay không bắt giặc" nhưng các chú rù rì khó có thể thoát được đôi tay nhanh nhẹn của bọn trẻ. |
Rù rì có cách chế biến đơn giản, chỉ cần rửa sạch, ướp một ít gia vị, mắm, sau đó rang bằng dầu ăn là rù rì sẽ “giòn rụm”. Cho vào miệng thưởng thức, rù rì vỡ ra từng mùi, từng vị, khiến thực khách say lòng. Chẳng biết vì cảnh đẹp hay vì món ăn mà có người thưởng thức rù rì còn nghe cả vị bọt biển. Chính vì sức “quyến rũ” khó cưỡng mà rù rì hiện nay có giá khá đắt (khoảng 200 nghìn đồng/kg). |
Cùng với thú vui "săn" rù rì, du khách còn được trải nghiệm cảm giác đi câu cúm núm biển. Thoạt nhìn cúm núm giống ghẹ nhưng lớp vỏ cứng, mai có màu xanh lốm đốm nâu với phần bụng màu trắng sữa, càng và chân màu vàng nhạt. |
Với đồ nghề là những chiếc cần câu không lưỡi, vài sợi dây cước, hoặc dây nhợ, vài miếng cá và chiếc xô đựng “chiến lợi phẩm” là có thể đi săn cúm núm. |
Một đầu dây cước hoặc nhợ cột vào cần câu, còn đầu kia cột đơn giản vào miếng mồi. Mồi có thể là đầu, mình cá thửng hay các loại cá khác... Nói chung là cá có mùi tanh càng nhiều càng tốt. |
Thời điểm câu cúm núm thường bắt đầu khi nước biển rút xuống. Người đi câu mang cần ra cắm ở dọc mép biển, ở những đoạn nước nông. Nghe mùi tanh là cúm núm bu đến để ăn. Và cứ khoảng chừng 5-7 phút đi thăm một lần, khi cúm núm đến bu quanh để ăn mồi, người đi câu chỉ có việc thò tay xuống túm và bỏ vào xô đựng. |
Từ những con cúm tươi ngon, người ta có thể chế biến nhiều món như hấp sả, lẩu, nấu chua, rang me…Tuy nhiên, cúm núm rang me vẫn là món khoái khẩu của cả dân địa phương và khách du lịch. Dù không nhiều thịt bằng một số họ hàng cùng loại như cua, ghẹ... thế nhưng bù lại thịt chắc, ngon, ngọt hơn. Khi thưởng thức, vị ngọt của thịt, giòn rụm của thân vỏ cúm núm... tạo nên một sự lạ lẫm và ngon miệng. |
Theo Bảo Ngọc/ Quảng Ngãi online