Về làng cổ ngoại đô nơi chỉ có đàn ông may áo dài
Về thăm làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, nghe người dân luôn truyền tai nhau tự hào rằng, đây là làng may áo dài nổi tiếng và lâu đời nhất của Hà Nội, nơi từng may áo dài cho vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở nơi đây, đó là người cắt tỉa tạo mẫu chủ yếu là đàn ông.
Đàn bà làm việc ruộng đồng, đàn ông ngồi nhà may vá. Chuyện thật ngỡ như đùa nhưng lại là câu chuyện xảy ra ở làng Trạch Xá từ bao đời nay. Những tà áo dài thướt tha với đường kim, mũi chỉ mềm mại, khéo léo, ít ai biết rằng đó lại là sản phẩm từ bàn tay của những người đàn ông lành nghề của làng Trạch Xá.
Khi được hỏi lý do vì sao, cụ Nguyễn Văn Nhiên (85 tuổi) – nghệ nhân hành nghề lâu năm nhất của làng chia sẻ, ngày trước không phải lúc nào khách cũng đến nhà đặt may như bây giờ. Để có việc làm, người dân trong làng phải mang tay nghề đi khắp nơi để tìm việc. Nhưng đường xa, đi lại vất vả, đàn bà con gái không thể đi theo được nên chỉ có đàn ông đi hành hương để kiếm sống. Có những thời điểm, khách vãng lai đi qua làng chỉ thấy toàn phụ nữ và trẻ con, vì đàn ông đã lên đường đi làm tứ xứ rồi.
‘Hơn nữa, việc chỉ truyền nghề cho con trai là để giữ gìn bí quyết may vá theo kiểu cha truyền con nối, vì con gái sẽ đi lấy chồng sang làng khác mà không giữ được nghề may’ – ông Nghiêm Văn Đạt, chủ nhiệm hợp tác xã may Trạch Xá cho biết.
Theo ông Nghiêm Văn Đạt, với hơn 30 năm trong nghề, việc khó nhất và cũng là bí quyết khiến áo dài ở Trạch Xá thu hút khách hàng hơn so với những làng may áo dài khác, đó là người thợ phải khâu tay dọc để tạo ra sự mềm mại, thướt tha cho áo dài.
Một người thợ lành nghề có khi phải mất từ 5 – 10 năm mới có thể thành thạo việc này. Bởi tà áo dài được khâu bằng tay, dùng chính sợi chỉ làm nên tấm vải để khâu thì lúc đó mới tạo cho kiểu dáng chiếc áo mềm mại, duyên dáng và uyển chuyển.
Với mỗi chiếc áo dài như này, người thợ may nhận được khoảng từ 150.000 – 200.000 đồng tùy loại. Một thợ "cứng" có thể may xong một chiếc áo dài trong một ngày.
Ngày nay, thị trường đã có nhiều thay đổi về thị hiếu và mẫu mốt. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng. Bởi người dân Trạch Xá không phải tha phương tứ phía mới kiếm được việc. Nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về làng. Vì thế, bất cứ ai có nhu cầu đều được học nghề.
Theo thống kê, có hơn hiện có khoảng 90% số người hành nghề may vá trong làng là đàn ông.Thời điểm thị trường may áo dài bội thu nhất là vào dịp trước Tết Nguyên đán và tháng 8, tháng 9 là thời điểm mùa cưới đến. Nhiều gia đình phải thức đêm hoặc thuê thêm nhân công để có thể kịp hoàn thành sản phẩm trả cho khách.
Tuy nhiên, trong 8 tháng còn lại ít có khách đặt may áo dài, người dân ở đây vẫn phải kiêm thêm nghề nông để duy trì cuộc sống. Anh Bình (một thợ may áo dài trong làng) chia sẻ thêm, nghề này là nghề ‘bắc nước chờ gạo người’, nếu chỉ trông chờ vào đơn đặt hàng từ khách thì không thể đủ sống được.
Năm tháng cứ thế trôi qua, những người đàn ông ở Trạch Xá vẫn một lòng giữ lửa cho nghề may áo dài, để lưu giữ hồn dân tộc, tinh túy của văn hóa Việt Nam trên từng thớ vải. Lớp cha trước, lớp con sau, người dân làng Trạch Xá vẫn luôn tự hào, làng mình có truyền thống may áo dài cho các vua thời Nguyễn, còn hiện giờ là nơi cung cấp áo dài ra khắp cả nước và thậm chí đi khắp các nước.