Vàng tặc đang biến sông Thanh thành sông chết
Vàng tặc đang biến sông Thanh thành sông chết
Cuộc sống khó khăn, chật vật, nhiều người rời bỏ quê hương tìm đến mảnh đất Quảng Nam để mong thay đổi cuộc đời.
Len lỏi khoét vàng trên những miền sông Thanh
Dòng Sông Thanh bắt nguồn từ huyện Nam Giang là thượng nguồn của sông Thu Bồn, ngày xưa người dân thường quen gọi là sông Xanh vì nước sông quanh năm xanh mát. Sông uốn quanh núi nên có độ dốc, nước chảy xiết, về mùa mưa nước lớn, dòng sông trở nên rất hung dữ nhưng về mùa khô nước sông cạn, dòng sông trơ lên những mỏm đá gồ ghề và những “vực thẳm” bởi tình trạng đào vàng đã quá phổ biến ở nơi đây.
Một góc của cảnh khai thác vàng trên sông Thanh |
Từ xã Ta Bhinh, Cà Ry, Đắc Pre,… dọc theo chiều dài của dòng sông, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những nhóm từ 5-7 người trải ra khắp chiều dài dòng sông, che lán nấu nướng, ngủ nghỉ tại đó luôn để lúc nào cũng sẵn sàng cho việc đào khoét lòng sông tìm vàng. Có những chỗ “kiếm ăn được” thì số lượng người tập trung rất lớn. Dụng cụ của những phu đãi vàng cũng đơn sơ, một cái máy xay đá, một máy hút cát, rồi cuốc mổ, xẻng, tràng, lưới sắt…
Việc khai thác vàng nhìn chung có hai cách, thứ nhất là họ đi khắp lòng sông nhặt những viên đá có đường vân ánh vàng, nặng hơn những viên đá bình thường. Nhìn những tốp người lổm nhổm vừa đi vừa cúi nhặt đá rồi cho vào thúng chẳng khác nào những đứa trẻ đi nhặt lạc xói khi trời mưa. Những viên đá có đường vân vàng sáng đó được mang vào bên trong lán, đã có một người đang đứng máy sẵn đó, cho vào máy xay ra và bắt đầu đãi vàng. Một người đàn ông trạc 40 tuổi đang đứng máy cho chúng tôi biết cứ khoảng 1 tấn đá như vậy là xay ra được khoảng 3 chỉ vàng.
Những chỗ khác lại có cách khai thác vàng khác hẳn, theo dòng nước đục ngàu một màu đỏ, chúng tôi đi tìm cái căn nguyên của nó, vừa đi được chừng hơn 1km thì chứng kiến cảnh dòng người hì hục đào khoét. Họ cầm cuốc mổ, xẻng đào khoét lòng sông thành cách hố sâu rồi hoặc là dùng thau múc bùn cát lên cho vào tràng và đãi vàng, hoặc là dùng máy hút cát một đầu cho vòi vào cái hố và đầu kia thì phun ra chiếc lưới sắt dựng nghiêng 45 độ đặt gần đó để lọc vàng.
Lao động ở đây đủ mọi lứa tuổi từ trẻ em đến những bậc cao niên, kẻ đào người khoét. Hầu hết trong số họ không phải là những người dân bản địa mà là những phận đời đìu hiu ở các tỉnh khác dạt về nơi đây tìm vàng mong thay đổi cuộc sống. Ngoài những tốp phu đào vàng theo kiểu tự phát thì ở Quảng Nam có rất nhiều các doanh nghiệp chuyên khai thác vàng và để “che mắt” các cơ quan chức năng, những doanh nghiệp này thường nấp bóng dưới dạng các doanh nghiệp chuyên khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng.
Cạm bẫy chốn “rừng thiêng nước độc”
Nam giới sức khỏe thì đào sông, khoét hầm, đốn núi còn phụ nữ và trẻ em thì tuyển quặng, mỗi người một việc. Tôi gặp chị Nguyên, người phụ nữ đã gần tứ tuần xa quê Hà Nam vào đây cùng với chồng và đứa con trai chỉ mới 16 tuổi.
Chị kể lại: “Ở quê cuộc sống quá chật vật, nghe tin có người trong xã về tuyển lao động vào Quảng Nam làm cho doanh nghiệp khai thác vàng, chúng tôi biết là công việc đó sẽ rất vất vả nhưng nghe bảo là thu nhập rất cao, có cơ hội đổi đời nên vợ chồng chúng tôi quyết định vào đây lập nghiệp”.
Cuộc sống tạm bợ trên chốn rừng thiêng nước độc đã khiến không ít người lao đao với những trận sốt rét nhừ tử, những tai nạn lao động rồi các tệ nạn ma túy, mại dâm cũng từ đó mà chạy theo.
Vàng tặc không ngừng đào khoét lòng sông |
Chị Nguyên tâm sự: “Lúc mới vào đây, tôi đã bị sốt rét chỉ thiếu chết, muốn cùng cả gia đình về quê nhưng không được vì như vậy là sẽ về tay trắng vì ông chủ chỉ trả lương một lần duy nhất vào dịp cuối năm chứ không thanh toán tiền công theo từng tháng. Vậy là cả gia đình chúng tôi bám trụ đến bây giờ đã được hơn 2 năm, cuộc sống cũng chẳng có gì là khá giả hơn nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Bây giờ về quê cũng khó khăn không kém, thôi thì cũng là có một việc làm ổn định”. Nghe những tiếng thở dài của chị Nguyên mà chúng tôi thấy nhói lòng.
Anh Hỏa, quê Nghệ An cho chúng tôi biết ở đây tình trạng đánh nhau, tranh giành địa bàn xảy ra thường xuyên. Hồi mới vào anh và một nhóm người cùng quê vào đây tìm vàng tự phát. Hậu quả là nhóm của anh Hỏa bị các nhóm người khác, thuộc loại “lính bữa mai” đánh cho một trận nhừ tử và ra luật là phải “cống tế” cho họ nếu làm ăn khấm khá.
Cuộc sống nơi chốn núi rừng đã làm cho những thanh niên chỉ mới hơn 20 tuổi đã phong trần phai sương, những đứa trẻ lớn lên với “giấc mộng vàng” trông khắc khổ và suy dinh dưỡng. Bởi cuộc sống ở đây chỉ có vàng và vàng. Những tai nạn như sập hầm không còn là vấn đề hy hữu ở nơi đây, nhiều nhóm người còn sử dụng mìn nổ để phá đá, làm hầm moi vàng, những cách làm như vậy đã đưa đến nhiều vấn đề lợi bất cập hại.
Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, có ít nhất 9 vụ sụp hầm vàng do khai thác trái phép, cướp đi sinh mạng của hàng chục phu vàng và làm bị thương nhiều người. Chị Loan, 37 tuổi đã có thâm niên gần chục năm đi theo nhóm phu vàng phục vụ nấu nướng cho biết: “Dạo trước nổ mìn, một thằng bị cụt mất một tay còn một tay thì bị thương nặng, khổ thân nó mới chỉ vào đây làm được chưa đầy một năm, giờ mang thân tàn phế về quê”.
Trong tiếng nấc của chị Loan là bao nhiêu nỗi xót xa mà những người phu đã phải chấp nhận để tìm vàng. Họ sống một cuộc đời “thổ phỉ”, quanh năm chỉ biết đào khoét, những cơn sốt rét, những tai nạn sập hầm, lở đá, những trận đấu đá giữa các “băng nhóm” có thể cướp đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Tất cả chỉ vì giấc mơ vàng, mong một cuộc sống đổi đời, như lời một người phu đãi vàng đã nói với chúng tôi: “Nghèo đói thì chúng tôi mới vô đây đào vàng chứ nếu giàu có rồi thì chẳng ai điên gì mà sống cảnh địa ngục trần gian này”.
Thế Thiên