Văn hóa chung cư: Kinh hoàng hành lang chung cư vãi đầy... phân chó
Câu chuyện nuôi chó ở chung cư đang là vấn đề nóng hơn cả nhiệt độ ngày hè tại Hà Nội. Có những người đang là bạn bè tốt, hàng xóm tốt của nhau bỗng dưng quay ra trở mặt thành thù, cạch mặt chẳng thèm nhìn nhau cũng vì những con chó…
Phân chó nhà hàng xóm ngay hành lang chung cư khiến nhiều cư dân... không thể chịu nổi. |
Mặc dù là người rất yêu chó, không kì thị vật nuôi, nhưng chị Nga - cư dân ở một chung cư khu vực Hà Đông (Hà Nội) cảm thấy bất lực, khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh con chó nhà hàng xóm thường xuyên vào nhà mình đi vệ sinh bừa bãi. Chị đã phải đăng thông tin lên nhóm cư dân để xin ý kiến của cộng đồng.
Chị Nga cho hay, nhà có con nhỏ nên hay mở cửa cho thoáng và trẻ nhỏ hay chạy ra hành lang chơi. Tuy nhiên, chó nhà hàng xóm vì không xích, cũng không nhốt chuyên sang công dép nhà chị để gặm, cắn. Thậm chí, có lần chồng chị cùng anh hàng xóm còn tí xô xát cũng chỉ vì phân chó hàng xóm nằm ngay cửa nhà chị.
Đáng nói, hễ thấy mẹ con nhà chị Nga ở thang máy là con chó lại sủa dữ dội và chị Nga vô cùng lo lắng chẳng may lúc nào đó con chó nổi điên lên cắn trẻ nhỏ thì rất nguy hiểm. Đặc biệt, không rõ chú chó nhà bên được huấn luyện ra sao, nhưng nó thường xuyên vệ sinh bừa bãi ra hành lang chung cư, thang máy; có khi nó còn vào thẳng sofa nhà chị ngồi lên đó rồi tiểu tiện.
Mặc dù thường xuyên nhắc chủ nhà nuôi chó, thậm chí có hôm đã phải yêu cầu họ sang dọn bãi phân chó bừa bãi vừa được thú cưng nhà họ phóng uế ngay cửa nhà mình và yêu cầu hàng xóm nhốt chó lại. Nhưng điều chị Nga nhận lại được là sự thờ của người láng giềng, và mọi chuyện dăm bữa nửa tháng lại... tái diễn.
Nước tiểu của chó xuất hiện tại thang máy chung cư khá thường xuyên ở Lĩnh Nam khiến nhiều hộ dân bức xúc. |
Một khu chung cư khác ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) vấn đề nuôi chó, lên án việc chó đi vệ sinh bừa bãi hay chó đi thang máy mà không có chủ nhà, nên cấm nuôi chó… được các cư dân phản ánh liên tục, đủ tình huống.
Câu chuyện nuôi chó ở chung cư đang là vấn đề nóng hơn cả nhiệt độ ngày hè tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội. |
Không chỉ phóng uế bừa bãi, chó được nhiều hộ sống trong chung cư nuôi cũng có những con thuộc giống cho săn vô cùng to lớn như Ngao Tây Tạng, Becgie... nhưng không hề được rọ mõm.
Cụ thể, tại một chung cư khu Lĩnh Nam mới đây, đứa trẻ 4 tuổi đã quá sợ hãi khi đi trong thang máy bị một con chó cùng trong thang tiến lại gầm gừ, đe dọa mà không hề có rọ mõm và cũng không được chủ nhà đi cùng xích lại.
Một trường hợp khác cũng tại đây, khi bé trai đang ngồi chơi ở sân chung cư thì có một anh lớn hơn dắt chó nhà mình lại gần khiến bé trai hoảng sợ chạy và va vào bồn hoa. Tai nạn khiến cháu nhỏ bị rách da đầu, phải khâu 5 mũi cùng nỗi khiếp sợ chó càng ngày càng tăng lên.
Người dân chia sẻ những bức xúc về việc nuôi chó ở chung cư... |
Tại nhiều diễn đàn về chung cư, những phản ánh như buổi tối đi bộ thể dục trên vỉa hè, sân chơi chung cư thường xuyên dẫm phải phân chó đã không còn là chuyện... hiếm gặp. Nhiều hộ dân đã đề xuất, phải áp dụng việc phạt chủ nuôi chó thật nặng, thậm chí cấm nuôi chó trong các chung cư.
Một cư dân đề xuất, với căn hộ vi phạm phạt theo quy định pháp luật hiện hành 600.000 - 800.000 đồng. Nếu chủ nuôi chó không chịu đóng tiền phạt sẽ tiến hành cắt nước trong khoảng 6 tiếng. Với căn hộ cố tình vi phạm từ lần thứ 2 trở đi ngoài mức phạt theo quy đinh sẽ tiến hành cắt nước trong vòng 12 tiếng. Tuy nhiên, những quy định đưa ra dường như không thấm được vào đâu.
Đáng chú ý, có nhiều ý kiến người dân còn cho rằng, mỗi con chó nuôi tại chung cư phải được cấp biển số nhà, số tòa; nếu bắt được chó của hộ nào vì phạm sẽ xử lý đúng chế tài, đồng thời bêu tên chủ tại bảng tin tòa nhà để răn đe...
Xét cho cùng, yêu chó và nuôi chó không sai. Nuôi chó ở chung cư cũng không có lỗi nếu chủ nhân biết cư xử, biết dọn vệ sinh cho thú cưng của mình; biết quản lý vật nuôi sao cho nó không chỉ là niềm vui của cá nhân mà còn là cầu nối tình thân với hàng xóm thay vì trở thành... trung tâm rắc rối, tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt thì nuôi chó phỏng có ích gì.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015), cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm e, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi. Ngoài ra, theo quy định tại điểm e, điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi. Ngoài ra, nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực thi hành. Theo đó, sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. |