Vận hành thị trường điện cạnh tranh vẫn phải thận trọng!
Sau 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, từ 31 nhà máy điện (tổng công suất lắp đặt là 9300 MW) tham gia thị trường năm 2012, đến nay đã có 59 nhà máy điện (tổng công suất 14.796MW) trực tiếp tham gia thị trường, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (không bao gồm các nguồn điện nhỏ và nhập khẩu).
Ông Nguyễn Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Tổng kết công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 01/7/2014- 30/6/2015) và kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh:
Sau 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thì chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào thưa ông?
Chúng tôi đánh giá qua 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Chúng ta vận hành thị trường phát điện cạnh tranh theo đúng quy định của nhà nước ban hành, đảm bảo vấn đề cung ứng điện, đủ điện cho vấn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đây là thành công hết sức lớn và cơ bản.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực |
Điểm thứ hai, vận hành thị trường điện cạnh tranh tạo ra sự công khai, minh bạch, huy động các nguồn phát điện, nhà máy điện trong hệ thống điện. Trước đây chúng ta vận hành theo điều độ kinh tế nhưng với vận hành mới này thì các nhà phát điện có thể chủ động trong vấn đề chào giá, tạo sự công khai, minh bạch hơn trong vận hành hệ thống điện.
Thứ ba, các nhà máy điện đã chủ động hơn trong việc chào giá, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, có nhiều biện pháp tham gia thị trường điện để qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Chúng tôi đánh giá đây là thành tích đáng kể đối với vận hành thị trường điện trong 3 năm vừa qua.
Thứ tư nữa, chúng ta đã có thông tin đầy đủ về thị trường, thành viên tham gia thị trường điện và bước đầu đã cung cấp thông tin tới khách hàng sử dụng điện. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, trong thời gian tới, Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực sẽ có chỉ đạo tăng cường hơn nữa thông tin đến đối tượng tham gia thị trường điện và khách hàng sử dụng điện.
Tuy nhiên đến thời điểm này mới có chỉ có 60 nhà máy điện tham gia với hơn 42% công suất, vẫn là mức hạn chế với tổng công suất hiện có. Vậy đâu là bất cập trong việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong 3 năm qua?
Chúng ta vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Hệ thống điện còn nhiều điểm bất cập. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi vận hành, nguồn điện còn không đáp ứng đủ hoàn toàn nhu cầu sử dụng điện trong các thời điểm. Hành lang pháp lý chưa đầy đủ cho nên trong 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị nhà máy điện phải tích cực tham gia thị trường điện.
Tuy nhiên vẫn còn có nhiều yếu tố ràng buộc cho nên chưa thể đưa được toàn bộ nhà máy vào thị trường. Đây là điểm tồn tại. Trên cơ sở góp ý các đơn vị, xem xét đánh giá chúng tôi đã đưa các giải pháp để tăng tối đa các nhà máy điện có thể tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Thứ nhất sẽ chỉ đạo đôn đốc các nhà máy phát điện đặc biệt là các nhà máy phát điện thuộc các tập đoàn kinh tế lớn như tập đoàn điện lực, tập đoàn than khoáng sản và tập đoàn dầu khí Việt Nam tham gia thị trường điện.
Thứ hai, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để có những buổi họp, trao đổi, bồi dưỡng để các đơn vị chuẩn bị tốt hơn khi tham gia thị trường điện. Chúng tôi cũng sẽ ban hành thêm những văn bản quy định hướng dẫn các đơn vị tham gia thị trường điện.
Thứ ba, sẽ xem xét những khó khăn của nhà máy điện, góp phần tháo gỡ những khó khăn để nâng cao tỷ lệ tham gia các nhà máy điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh.
Vậy cụ thể thị trường phát điện cũng như bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành như thế nào?
Chúng tôi đang vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và vẫn tiếp tục vận hành thị trường này đến hết năm 2018. Sang năm 2019 sẽ chính thức chuyển sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Trong giai đoạn từ nay đến 2019 phải có những bước chuẩn bị hết sức cần thiết. Bước 1, từ năm 2016 sẽ vận hành thị trường thị trường trên giấy, các công ty điện lực, các khách hàng lớn có thể thực tập tham gia thị trường bán buôn này. Về mặt vận hành và thị trường điện thì chúng ta vẫn tiếp tục triển khai thị trường điện cạnh tranh.
Bước sang giai đoạn từ năm 2017- 2018 sẽ đưa các công ty vào thị trường điện thực tế, nghĩa là các công ty điện lực có thể mua được từ 5-10% sản lượng điện của các nhà máy thông qua thị trường bán buôn, còn lại vẫn tiếp tục mua qua thị trường phát điện cạnh tranh.
Sở dĩ lại có 3 bước này vì bước chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn cạnh tranh là một bước chuyển lớn, căn bản, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh điện trong suốt thời gian vừa qua. Ảnh hưởng của thị trường bán buôn tác động lớn đến các mặt chung của ngành điện. Do đó cần có bước đi thận trọng, phù hợp với thực tế.
Bộ Công Thương khẳng định phải tái cấu trúc ngành điện và tách các genco của EVN. Nếu chậm trễ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến EVN và thị trường điện thưa ông?
Tái cấu trúc ngành điện là một trong nhiệm trọng tâm để thực hiện vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian tới. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương xem xét chuẩn bị đề án trình chính phủ trong tháng 12/2015. Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét đề án này. Một trong những trọng tâm là cổ phần hóa các genco thuộc EVN, PVN, còn các genco thuộc TKV đã cổ phần hóa rồi. Còn 4 Tổng công ty còn lại cũng sẽ thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng chính phủ.
Xin cảm ơn ông!