Vai trò của phụ nữ Quảng Ngãi trong phân loại rác thải tại nguồn
Ở Quảng Ngãi, nhiều năm qua, tại các buổi truyền thông, hội viên, phụ nữ và người dân đã được cung cấp thông tin về thực trạng vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại địa phương và các giải pháp phòng, chống rác thải nhựa. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần để giữ vệ sinh môi trường, dần thay đổi thói quen của bản thân và các thành viên trong gia đình về việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ vận động chị em sử dụng giỏ nhựa khi đi chợ thay cho túi nilon. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng túi vải, túi nhựa sinh học, sử dụng lá chuối... khi bán hàng.
Cuối năm 2018, thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy chọn làm mô hình điểm về phân loại rác tại nguồn. Các hộ được hỗ trợ 2 giỏ nhựa đựng rác hữu cơ và vô cơ, được tham gia lớp tập huấn. Những tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nhà. Hiện nay, 100% hộ trong thôn An Tráng đã tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định.
Ngoài việc hỗ trợ 10 thùng rác lớn đặt ở một số khu dân cư trên địa bàn xã, hướng dẫn cách phân loại rác, qua 4 năm triển khai mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa Thắng đã hỗ trợ, cấp phát hơn 300 giỏ rác để hội viên, phụ nữ phân loại và đựng rác. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra 5/7 thôn trên địa bàn xã, với trên 1.000 hộ tham gia.
Từ mô hình điểm về phân loại rác thải tại hộ gia đình, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phân loại rác thải giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, như: “Ngôi nhà xanh tiết kiệm” chứa các loại rác thải nhựa, kim loại, bao bì giấy để bán lấy tiền giúp đỡ hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành đã ra mắt mô hình đổi phế liệu tái chế lấy hàng nhu yếu phẩm gồm: muối, đường, nước mắm, dầu gội, xà phòng…, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Bà Đinh Thị Kim, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hành Dũng cho biết, quá trình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, nên người dân đã hưởng ứng và tích cực tham gia, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, xã Hành Dũng không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi dọc các tuyến đường, dưới sông hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ được thu gom tới nơi quy định để xử lý.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mộ Đức Huỳnh Thị Thùy Trang cho hay, vào đầu tháng 10/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã ra mắt và tập huấn mô hình “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ” tại thôn An Mô, xã Đức Lợi. Mô hình có 20 thành viên tham gia, mỗi thành viên được hỗ trợ một thùng ủ rác và được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp tập huấn những kiến thức cơ bản về rác thải, hướng dẫn phân loại rác thải, ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, và cách lấy men để ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn hỗ trợ 120 giỏ đựng rác cho các chị em phụ nữ và bà con để về phân loại rác thải tại hộ gia đình.
Đến nay, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã xây dựng được 50 mô hình điểm và triển khai sâu rộng ra 173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. 100% thôn, tổ dân phố đã ký cam kết triển khai thực hiện phong trào phân loại rác thải sinh hoạt đến từng hộ gia đình.
Việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phù hợp, như hỗ trợ kinh phí để xây dựng lò đốt rác, cấp phát giỏ đựng rác theo phân loại cho các hộ gia đình…
NH