Vải thiều Thanh Hà sang Pháp theo đường chính ngạch
Kể từ giữa tháng 6/2021, trái vải thiều của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Pháp theo đường chính ngạch và được ưa chuộng tại thị trường này.
Thông qua sự hợp tác với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp, trái vải Việt Nam còn dễ dàng được truy xuất nguồn gốc nhờ tem dán trên bao bì. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là một trong những thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm.
Vải thiều Việt Nam được nhập khẩu vào Pháp có xuất xứ trồng ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Các lô hàng được nhập vào Pháp theo đường hàng không nên giá khá cao. Trên kệ, giá niêm yết là 16,50 Euro/kg, tương đương với hơn 450.000 đồng Việt Nam.
Mỗi đợt, vải thiều nhập khẩu vào Pháp với sản lượng từ 500kg đến 1 tấn. Đơn vị nhập khẩu chỉ bán trong 5 - 7 ngày là hết.
Dự kiến, mùa vải năm nay sẽ có khoảng từ 5 - 10 tấn vải thiều tươi chất lượng cao của Việt Nam được nhập khẩu vào Pháp và thị phần ngày càng được mở rộng không chỉ ở Pháp mà còn tại các nước khác ở châu Âu.
Để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường khó tính là Pháp, toàn bộ vải thiều Thanh Hà của Việt Nam vào thị trường này đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, các sản phẩm vải thiều gắn tem truy xuất nguồn gốc mà đơn vị này triển khai khi xuất khẩu sang Pháp đã tạo được hiệu ứng tích cực.
Mặc dù có giá chung của thị trường là 18 euro/hộp 1kg (tương đương hơn 500.000 đồng/kg), nhưng phản hồi của người tiêu dùng tại Pháp là rất tích cực. Lượng khách hàng mua vải thiều của Việt Nam không chỉ là cộng đồng người Việt tại Pháp mà có cả những khách hàng người Pháp vốn đã biết đến chất lượng của trái vải thiều Việt Nam.
Vải thiều Thanh Hà được bán tại Pháp với giá 18 euro/hộp 1kg, tương đương khoảng hơn 500.000 đồng/kg. |
Ngay sau lô hàng đầu tiên đặt chân đến Pháp vào ngày 12/6, đơn vị nhập khẩu đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu hơn so với dự kiến trước đó để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ nhập các lô tiếp theo.
Khách hàng nước ngoài rất quan tâm tới tem truy xuất nguồn gốc và bất ngờ khi có thể tiếp cận được với lượng thông tin đầy đủ về trái vải, từ quy trình nuôi trồng cho tới lịch sử thu hoạch, đóng gói và các chứng chỉ kiểm tra chất lượng, chỉ số thông qua điện thoại cá nhân.
Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết, từ nhiều năm nay, Pháp luôn đề cao việc nắm rõ nguồn gốc của thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với người tiêu dùng.
Ông Vũ Anh Sơn chia sẻ, quá trình phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp cũng gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch Covid-19, khâu kết nối doanh nghiệp vướng một số vấn đề như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực quảng bá, giới thiệu, kết nối bằng phương pháp trực tuyến, sự kiên trì kết nối doanh nghiệp hai nước cũng như uy tín của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, trên cơ sở phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tuyển lựa doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có năng lực, đơn hàng xuất khẩu trái vải thiều Việt Nam, xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.
Cùng chuyến với lô hàng thương mại này, theo tư vấn của Cục Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ cũng chuyển tới Thương vụ Việt Nam tại Pháp một số lượng hộp vải mẫu để phục vụ công tác quảng bá tại thị trường Pháp.
Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ trái vải Việt Nam tại Pháp, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ tổ chức gian hàng quảng bá trái vải Việt Nam tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 được tổ chức ngày 19/6 tới đây ở quảng trường Monge, trung tâm thủ đô Paris.
Tại sự kiện này, nhiều người tiêu dùng Pháp sẽ lần đầu tiên được thưởng thức hương vị thơm ngon của trái vải thiều Thanh Hà, Hải Dương.
Trước đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều được nhập khẩu vào sân bay quốc tế Charles de Gaulle ngày 12/6 là lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu có mang theo tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại xây dựng.
Như vậy sau 5 năm gián đoạn, đây là những lô vải đầu tiên được nhập khẩu số lượng lớn, đứng riêng 1 đơn hàng (không đi chung với các trái cây ngoại lai khác) được thực hiện bởi hệ thống siêu thị Á Châu.
Hiền Anh