Ứng dụng công nghệ giúp bác sĩ ngồi xem điện thoại cũng có thể chẩn đoán bệnh
Khi sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) cho bệnh nhân thì người bệnh không cần lo giữ phim thay vào đó là lưu trữ bằng hệ thống công nghệ thông tin, bác sĩ có thể xem phim trên chiếc điện thoại.
Ông Nguyễn Văn Thế (Thường Tín, Hà Nội) tới Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khám do bị ho. Sau khi nội soi tai mũi họng, xét nghiệm ông được bác sĩ hướng dẫn đi chụp Xquang. Điều khiến ông bất ngờ không giống các lần đi khám bệnh trước đó là bác sĩ dặn ông quay về phòng khám ban đầu và không phải quay lại khu chụp trả kết quả.
Lúc này, ông còn sợ không có phim chụp thì bác sĩ không kết luận cho mình. Đến khi nhân viên tư vấn phim chụp điện tử được gửi tới tận phòng bệnh bác sĩ tự xem và lưu lại bệnh nhân không phải cầm.
Đây là một bước tiến mới vô cùng quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh.
BS xem phim trên máy vi tính. |
PGS.TS.BS.TTND Hà Hữu Tùng - Giám đốc BV Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, thiết bị y tế là một trong những thiết bị giúp cứu sống người bệnh nhưng vẫn cần ứng dụng thêm nhiều khoa học công nghệ để hiệu quả hơn.
Nhiều năm nay, BV Đa khoa Nông nghiệp thường phải “đi tắt đón đầu” để tiếp cận các kỹ thuật hiện đại nhất hỗ trợ người bệnh giúp họ yên tâm khám chữa bệnh ngay tại địa phương không phải đi nước ngoài, giữ chân được người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thực hiện chẩn đoán hình ảnh, thanh toán bảo hiểm y tế không cần in phim qua hệ thống PACS.
PGS Tùng cho biết nếu các bệnh viện đều triển khai theo dõi sức khoẻ toàn dân điện tử thì hệ thống này sẽ giúp người bệnh lưu lại thông tin.
Khi người bệnh đi khám sức khoẻ các kỹ thuật chiếu chụp siêu âm được số hoá và lưu lại sau đó kết qủa này truyền đi khắp nơi. Nếu người dân chụp cắt lớp thì phải cầm vài phim liền nhưng nếu dùng công nghệ này thì bệnh nhân có thể được chẩn đoán dưới hàng trăm lớp phim.
Bình thường, việc in phim vừa độc hại vừa tốn kém, người bệnh lại phải cất giữ mang theo đi khám bệnh còn bệnh viện lại phải cất giữ trong kho. Hệ thống này lợi cho người bệnh đỡ phải mang đi theo, không bị tốn tiền, còn thầy thuốc thì chỉ cần điện thoại ngồi đâu cũng chẩn đoán, đọc phim, hỗ trợ đồng nghiệp. Bệnh viện thì rất lợi việc khám chữa bệnh kết nối với nhau đỡ kho cất giữ dữ liệu. Năm 2021 dù dịch bệnh nhưng bệnh viện tiết kiệm tiền mua phim từ 5 tới 7 tỷ đồng.
PGS Tùng chia sẻ thời gian đầu khi đưa vào ứng dụng hiện đại bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn vì đưa một hệ thống máy móc vào bệnh viện là cả quy trình phức tạp. Máy móc này “sửa sai”cho con người nên phải sử dụng như thế nào cho thích hợp, máy móc sử dụng tính năng như thế nào, sử dụng máy móc như sử dụng thuốc vậy mỗi người bệnh có cách điều trị riêng.
Ví dụ bệnh nhân có độ dày khác nhau thì tia sẽ điều chỉnh khác nhau. Đặc biệt sử dụng công nghệ hiện đại càng khó khăn nên bài toán nhân sự cũng là rào cản. Bệnh viện phải lựa chọn y bác sĩ có kiến thức chuyên môn và có thể tiếp thu kiến thức mới để đào tào.
Khi mua sắm trang thiết bị thì bệnh viện luôn đưa ra yêu cầu từ các doanh nghiệp phải hỗ trợ cán bộ sử dụng máy móc hiệu quả, không hại cho người bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa nông nghiệp đã đầu tư đa dạng nhiều trang thiết bị y tế sản xuất trong nước và nhập ngoại. Về nguyên tắc, bệnh viện sử dụng các sản phẩm phù hợp túi tiền, có sự đổi mới và sáng tạo, nhất là có yếu tố áp dụng công nghệ.
Một số chuyên ngành mới, bệnh viện tiếp cận những công nghệ tân tiến với mục tiêu đi tắt đón đầu. Điều này nhằm hỗ trợ người bệnh tốt nhất, giúp phát hiện bệnh chính xác, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên cũng như mất nhiều chi phí.
K.Chi