Ukraine “dứt tình” với Nga có lợi cho Moscow hơn Kiev?
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Nhận định trên được ông Ivan Chikharev, Tiến sỹ chính trị, Giám đốc Viện Khoa học Xã hội và Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Sevastopol, đưa ra.
Theo trang web của Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 3/12 đã trình lên Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh ban hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga. Sau đó, nội các Ukraine ra chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về mong muốn của Kiev chấm dứt Hiệp ước trước ngày 27/9 vừa qua.
Với 277 phiếu thuận (trong khi tối thiểu chỉ cần 226), Quốc hội Ukraine ngày 6/12 đã ủng hộ dự luật này. Theo dự luật, Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga sẽ chấm dứt từ ngày 1/4/2019.
Ông Chikharev nói: "Đương nhiên, việc rút khỏi các hiệp ước quốc tế đe dọa hệ thống luật pháp quốc tế và quan hệ song phương. Việc Ukraine rút khỏi Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga là có lợi hơn cho Nga, vì vị thế của Moscow về mọi vấn đề trong chương trình song phương đều mạnh hơn".
Ông lưu ý rằng quyết định này của chính quyền Kiev được kỳ vọng liên quan đến các cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine sắp tới. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người thường bị cáo buộc không đủ “cứng” với Nga, đang cố gắng củng cố uy tín trước các cử tri ủng hộ mình.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác được ký vào ngày 31/ 5/1997 và có hiệu lực vào ngày 1/4/1999 trong thời hạn 10 năm. Văn kiện này bao gồm điều khoản về tự động gia hạn thêm 10 năm nữa nếu các bên không phản đối. Ngược lại, hiệp ước sẽ bị hủy bỏ.
Hiệp ước nói trên quy định nguyên tắc hợp tác chiến lược và các tuyên bố bất khả xâm phạm những đường biên giới hiện có, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nghĩa vụ tương ứng của hai bên trong việc kiềm chế sử dụng các vùng lãnh thổ của mình để gây tổn hại cho an ninh của đối phương.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine. Kiev và các nước phương Tây cáo buộc Moscow hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.
Quan hệ Nga - Ukraine đang có xu hướng leo thang căng thẳng sau khi sau khi Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 25/11 xác nhận các tàu của hải quân nước này đã dùng vũ khí chặn và bắt giữ ba tàu Ukraine có hành vi xâm phạm lãnh hải Nga ở gần bán đảo Crimea một cách bất hợp pháp.
Kiev đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, bắt đầu từ ngày 26/11, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60.