Uganda: Hơn 800 người bị tiêm vắc-xin Covid-19 giả
Hơn 800 người Uganda đã bị tiêm vắc-xin Covid-19 giả, một số người trong số đó đã chết trong đợt đại dịch thứ hai.
Thông tin trên được tờ báo địa phương Daily Monitor dẫn nguồn tin từ trung tâm theo dõi sức khỏe cho biết.
Theo đó, số vắc-xin giả đã được sử dụng từ ngày 15/5 đến 17/6. Cơ quan chức năng đã bắt giữ hai y tá tiêm phòng cho người dân để lừa tiền, đồng thời thu giữ danh sách những người đã tiêm phòng và số giấy chứng nhận đã cấp. Cùng với đó, một số nghi phạm khác, bao gồm cả một bác sĩ đã tìm cách trốn thoát.
Uganda: Hơn 800 người bị tiêm vắc-xin Covid-19 giả. (Ảnh: Imago) |
Người đứng đầu bộ phận giám sát y tế nhà nước, Wallen Naamara cho biết, những kẻ lừa đảo dường như đã đổ nước thông thường vào ống thuốc trộm được từ các cơ sở y tế.
Ông Naamara lưu ý rằng bao bì của thuốc không tuân thủ các tiêu chuẩn của chính phủ. Cơ quan chức năng cũng khẳng định loại thuốc này không phải là vắc-xin nhập khẩu.
“Nội dung trên nhãn của loại vắc-xin này bị nghi ngờ là đã bị đánh cắp từ đâu đó hoặc được tự sản xuất, nhưng chúng không qua các kênh chính thức của chính phủ. Hầu hết tất cả các loại vắc-xin Covid-19 đều là 5 ml, nhưng loại này trông không giống 5 ml, nó thực sự nhiều hơn, và phần trên của lọ được bọc rất kỹ”, ông Naamara nói.
Trước đó, vào tháng 4, công ty Pfizer cho biết đã xác định những trường hợp làm giả vắc-xin Covid-19 của hãng này tại Mexico và Ba Lan.
Ngoài ra, vào đầu tháng 3, cảnh sát Nam Phi và Trung Quốc đã thu giữ hàng nghìn liều vắc-xin Covid-19 giả. Và vào tháng 11/2020, lực lượng chức năng tại Nam Phi đã triệt phá kho vắc-xin Covid-19 giả khoảng 2.400 liều.
Vắc-xin Sputnik-V do Nga sản xuất cảnh báo về thuốc giả. (Ảnh: Sputnik-V) |
Theo công ty an ninh mạng Check Point tại Tel Aviv (Israel), tới thời điểm này họ đã phát hiện khoảng 1.500 trường hợp rao bán vắc-xin Covid-19 trên mạng, tuyên bố có đủ loại vắc xin Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sputnik V.
Những người bán vắc-xin giả trên mạng này sống tại nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mexico, Australia...
Theo các chuyên gia bảo mật của Check Point, tốc độ gia tăng các “nhà bán lẻ” vắc-xin trên darknet (mạng của các trang web không thể truy cập từ công cụ tìm kiếm và phải dùng phần mềm đặc biệt để truy cập) rất đáng chú ý.
Wall Street Journal cho hay, nếu tháng 11/2020 họ chỉ xác định được khoảng 20 trường hợp rao bán thì tới tháng 1/2021 là 600, cuối tháng 3 là 1.200 và giờ là khoảng 1.500.
Ông Jurgen Stock, tổng thư ký INTERPOL nhận định, trong thời gian tới, thế giới sẽ tăng thêm các loại hình tội phạm liên quan vắc-xin Covid-19. “Chúng ta sẽ chứng kiến các vụ đánh cắp, đột nhập nhà kho và tấn công các lô hàng”, ông Stock nói.
Trong khi đó, vào cuối tháng 3 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước hãy tiêu hủy an toàn những lọ vắc-xin đã dùng để ngăn tội phạm tái sử dụng cho mục đích phi pháp.
Thấy rõ nguy cơ lớn từ nạn vắc-xin Covid-19 giả, từ cuối tháng 4, Hội đồng châu Âu đã nêu ra 13 biện pháp nhằm ngăn chặn và loại bỏ các vắc-xin Covid-19 giả trên thị trường. Trong đó có những biện pháp như tăng cường các chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các nguy cơ có thể gặp nếu mua vắc-xin từ các nguồn bên ngoài hệ thống y tế, như mua trên mạng.
Gần 500 người tử vong vì nắng nóng ở Canada
CBC đưa tin, gần 500 người đã chết vì nắng nóng kỷ lục ở tỉnh British Columbia của Canada trong vài ngày qua.
Thanh Bình (lược dịch)