“Tỷ phú ve chai” quyết giữ miếng đất vàng của tổ tiên
Họ nghĩ tui khùng chớ gì? Giữ gìn đất cha mẹ tổ tiên là khùng sao? Tui chỉ một thân một mình, giành đất làm chi, giành đất cho ai?
Nếu nhìn người đàn bà sống khổ hạnh dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, “khùng” là lý giải hợp lý nhất, nhưng nếu tiếp xúc với bà, người ta mới hiểu rằng, quan điểm sống của bà H. cũng là quan điểm sống của nhiều người già: được sống, đi về mỗi ngày trên chính mảnh đất gắn bó từ thuở nhỏ, được làm việc mình thích… thì đời còn gì vui hơn.
Sống trên đống vàng vẫn đi lượm ve chai
Trời nhập nhoạng tối, bà Nguyễn T.H. (63 tuổi) buông chén cơm đã ăn xong vào thau nước cáu bẩn. Bà lấy cái bao để ngay góc nhà, tay cầm cây móc sắt - đồ nghề lượm ve chai của bà mỗi đêm.
Ra tới cửa, nhìn cậu em trai đang khề khà chung rượu, bà dặn: “Uống xong nhớ vô mùng ngủ nghen, tao giăng mùng rồi đó, ngủ ở ngoài là muỗi cắn chết à”. Nói xong bà quảy bao lên vai, bắt đầu một đêm mưu sinh như hàng ngàn đêm khác.
Đối với nhiều người già, việc được sống trên mảnh đất tổ tiên quan trọng hơn hết thảy - Ảnh minh họa |
Bà H. chỉ “hành nghề” về đêm, vì “ban ngày tui giành không lại người ta”. Cung đường quen thuộc của bà là Hồ Văn Huê - Nguyễn Kiệm… Từng bao rác trước nhà, dù bốc mùi xú uế nồng nặc, bà vẫn tay không bới, lượm từng chiếc túi ni-lông cất vào bao. Khi “trúng mánh” như cách bà nói, là trong rác có lẫn vỏ bia, nước ngọt thì bà “tan ca” sớm.
Bà đi lượm rác không theo giờ cố định, mà chỉ về khi “chiến lợi phẩm” đầy bao. Có khi 21 giờ bà đã trở về nhà, cũng có khi ước chừng “không đủ doanh số” thì bà đi khuya hơn, qua nhiều cung đường hơn. “Doanh số” mỗi ngày của bà là 50.000 đồng, chia cho hai phần: cho cậu em 15.000 đồng mua rượu, 35.000 đồng còn lại lo bữa cơm cho hai chị em.
Mà thật ra, số tiền đó bà tiêu không hết. Bởi cậu em chỉ cần rượu, không cần ăn.
Ngày nào người đàn ông này cũng uống say, nghêu ngao hát rồi lăn ra ngủ, sáng nào đói quá thì bốc vốc cơm nguội cho vào miệng nhai rồi phụ chị gái phân loại ve chai và nằm chờ tới cữ rượu chiều. Bà H. chỉ ăn cơm qua quýt, mấy khứa cá lóc kho có khi cả tuần mới hết. Cuộc sống nhọc nhằn, nhưng bà thảnh thơi và hài lòng.
Bỗng một hôm, bà H. được Tòa án nhân dân Quận Phú Nhuận, TP.HCM triệu tập vì là bị đơn của một vụ kiện. Bà cắp nón lá tất tả đi bộ lên tòa.
Bà H. bước vào phòng thẩm phán Hồ Thị Lệ Thanh - người thụ lý và giải quyết vụ kiện, thẩm phán Thanh nhìn bà và bất ngờ vì theo hai nguyên đơn thì “bả chiếm giữ miếng đất 30 tỷ chỉ để phơi ve chai”. Hai nguyên đơn còn thắc mắc: “Không hiểu sao lại chọn nhặt rác, sống khổ hạnh, dù đang ở trên đống vàng”.
“Bà ấy bị khùng!”
Chính anh trai và em gái của bà H. là nguyên đơn kiện bà ra tòa trong vụ tranh chấp thừa kế, sau nhiều lần thương lượng không thành. Thẩm phán Thanh chưa kịp nói gì, bà H. đã lên tiếng: “Tui nhất định không bán đâu, chờ tui chết thì ai làm gì làm”. Thẩm phán Thanh khuyên bà bình tĩnh, từ từ nói chuyện.
Bà kể: “Ba má tui mất để lại căn nhà, tui với thằng út sống ở đó với ba má từ hồi nhỏ, cái gì ở đó cũng quen, gắn bó gần hết đời người, giờ kêu bán sao đành! Hai người muốn về ở thì ở, đất rộng mênh mông mà, tui không bán đâu”. Bà chốt bằng câu: “Bán chia đất là tui chết á”.
Theo thẩm phán Thanh, quyền đòi chia tài sản là hợp pháp và chính đáng. Đây là tài sản mà bốn người con được thừa kế ngang nhau. Cả bốn đều sống trong cảnh khó khăn. Hai nguyên đơn đã sống hơn nửa đời người trong nghèo khó. Khối tài sản này có thể giúp họ và gia đình thoát nghèo, tái thiết cuộc sống.
Bao lần hai người đến nói chuyện với bà và cậu em trai, khuyên bà bán nhà chia cho anh chị em. Cậu em nát rượu chỉ nói: “Chị H. sao tui vậy”. Còn bà H. bảo lưu ý kiến: “Về ở thì được, chứ không được bán”. Hai người thân đành chọn điều mà bản thân họ không muốn: khởi kiện bà H. ra tòa.
Bốn chị em “sum họp” tại tòa trong phiên hòa giải. Cô em gái nhỏ nhẹ: “Chị bán nhà đi rồi chia bốn phần, chị cứ giữ luôn phần của thằng út. Lâu nay chúng ta nghèo khổ quá rồi, giờ bán để tụi nhỏ đỡ vất vả”.
Bà H. bình thản: “Sống nghèo thì làm sao? Nghèo thì đi làm kiếm cơm bỏ bụng. Bán rồi sân đâu tui phơi ve chai?”. Câu nói của bà làm những người ngồi trong phòng chưng hửng, dù anh chị em bà đã nghe cả trăm lần.
“Được chia gần 10 tỷ, chị mua chục cái sân phơi ve chai cũng được, hà cớ gì giữ sân này?” - cô em kế của bà nói.
Bà nhìn em gái rồi gằn từng tiếng: “Sân của người lạ thì không phải của ông bà tổ tiên mình, không phải nhà mà ba má và mấy chị em mình sống từ nhỏ”.
Bên nào cũng bảo vệ lý lẽ của mình và cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng. Thẩm phán Thanh phải phân tích cho bà H. thấy tài sản này cha mẹ không di chúc cho riêng ai, nên phải chia đều cho những người con là đúng pháp luật. Bản thân bà cũng sẽ có cuộc sống tốt hơn, không phải đi lượm ve chai mỗi ngày.
Bà rướn mắt nhìn người đối diện: “Đi lượm ve chai tốt mà, cuộc sống tui đang tốt mà, cơm ăn áo mặc đầy đủ mà. Tui có bị nhịn đói bữa nào đâu?”. Đến lượt bà thẩm phán hiểu rằng: đối với người phụ nữ này thì tiền bạc và cuộc sống vật chất không có ý nghĩa gì.
Bán rồi sân đâu tui phơi ve chai? Ảnh minh họa |
Thẩm phán nói: “Hai anh em ruột thịt của bà đang rất khó khăn. Mấy chục năm nay họ đâu có đòi chia tài sản, dù nghèo. Nhưng bây giờ, con cháu họ lớn lên, họ cần tài sản này để cuộc sống tốt hơn, đó là nhu cầu chính đáng. Các cháu của bà đang vất vả kiếm sống, thiếu trước hụt sau, bà nên nghĩ đến các cháu. Cháu cũng như con”.
Nghe vậy, bà H. im lặng. Nhưng trước khi về, bà vẫn buông một câu: “Ngày nào tui cũng phơi ve chai, tui quen phơi ve chai ở đây rồi, chia là tui chết liền á”.
Với hai nguyên đơn, thẩm phán Thanh cũng phân giải để họ hiểu tình hình và đề nghị kiên nhẫn, cần dùng những biện pháp mềm dẻo để thuyết phục bà H. đồng ý chia tài sản. Hai nguyên đơn đành chấp nhận sự thiệt thòi, bất lực của mình bằng lý giải “bả bị khùng”.
Câu nói của hai người khiến thẩm phán Thanh suy nghĩ. Chính bà H. từng nói: “Họ nghĩ tui khùng chớ gì? Giữ gìn đất cha mẹ tổ tiên là khùng sao? Tui chỉ một thân một mình, giành đất làm chi, giành đất cho ai? Tui sống được mấy năm nữa, chờ tui chết rồi ai làm gì thì làm”.
Dù lý lẽ của bà H. nghịch đời “không chia thừa kế vì không có chỗ phơi ve chai”, người thân cuối cùng đành rút đơn khởi kiện. Bởi hơn ai hết, hai nguyên đơn ruột thịt kia biết rõ bà H. không tham lam và cái lý tưởng chừng ngang ngược “để sân phơi ve chai” chỉ để phủ lên lý do bà muốn giữ đất của ông bà tổ tiên…
Thùy Dương
Bàn xây nhà cho bố với các em, anh trưởng giật mình vỡ lẽ
Tôi muốn các em cùng góp tiền xây dựng căn nhà mới cho bố ở quê nhưng các em im lặng.
Theo www.phunuonline.com.vn